Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến các vấn đề tại phiên chất vấn ngày 16/3. Một vấn đề được quan tâm trong phần trả lời chất vấn của ông Diên là giải pháp bảo đảm lưu thông xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, năm 2022, với những diễn biến khó đoán định về bức tranh thương mại toàn cầu do phụ thuộc vào dịch COVID-19, cũng như những khó khăn từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
“Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn”, báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
Vẫn theo ông Diên, việc lưu thông hàng hóa qua biên giới phía Bắc chuyển biến xấu từ tháng 12/2021 tới nay, khi đợt dịch thứ 4 lan rộng tại miền Bắc và nhất là từ khi phía Trung Quốc cũng bắt đầu phát hiện các ca mắc COVID-19 tại khu vực biên giới.
Dù phía Việt Nam đã chủ động giao thiệp ở tất cả các cấp để giữ cho lưu thông hàng hóa được thông suốt, nhưng phía Trung Quốc vẫn chủ động tăng cường các biện pháp quản lý như thủ tục giao nhận chặt chẽ hơn, quy trình kiểm dịch phức tạp hơn.
Đặc biệt, chỉ cần phát hiện dấu vết virus trên hàng hóa hoặc bao bì là dừng ngay hoạt động thông quan để tiến hành khử khuẩn toàn khu vực. Nếu phát hiện ca nhiễm COVID-19 thì đóng cửa khẩu và thực hiện giãn cách xã hội để tầm soát, khoanh vùng, dập dịch. Các cặp cửa khẩu quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu như Hà Khẩu - Kim Thành (Lào Cai), Đông Hưng - Móng Cái (Quảng Ninh), thậm chí là cả cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đều bị tạm dừng thông quan vì lý do này.
“Như vậy, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu nhất dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa lần này là do các quy định phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, nhất là khi phía bạn cũng xuất hiện các ca mắc COVID-19 tại khu vực cửa khẩu. Ùn tắc xảy ra ở cả 2 phía, gây thiệt hại không chỉ cho ta mà còn cho cả xuất khẩu của Trung Quốc”, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Ông Diên cho hay, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện tại khu vực biên giới.
Nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, tình hình tới trước Tết Nguyên đán đã có sự cải thiện đáng kể. 2 tỉnh Quảng Tây, Vân Nam đều đã khôi phục dần hoạt động thông quan tại các cụm cửa khẩu quan trọng đối với xuất khẩu nông sản của ta.
Trước Tết Nguyên đán, lượng xe chờ xuất khẩu tại các tỉnh biên giới đã giảm rất mạnh và trở về mức thông thường như trước khi xảy ra ùn tắc. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.
Theo báo cáo, năm 2021, xuất khẩu của cả nước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%. Cán cân thương mại có xuất siêu 4,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 28 tỷ USD, tăng 12%.
Giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đã tăng mạnh trong năm 2021 như giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tăng 55,2%, cao su tăng 23%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,8%, cà phê tăng 12,3%, gạo tăng 5,5%, chè tăng 4,6%.
Bình luận