Trong báo cáo của IEA, xuất khẩu dầu thô của Nga đạt mức cao nhất trong 14 tháng vào tháng 4/2023, phần lớn các hợp đồng được chuyển đến thị trường châu Á khi xuất khẩu năng lượng Nga vẫn chịu các lệnh cấm vận của phương Tây.
Các đơn hàng xuất khẩu từ 500.000 thùng mỗi ngày đã tăng 8,3 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 4. Báo cáo của IEA nhận định Moskva đã không cắt giảm sản lượng như nước này tuyên bố.
Trước đó, vào tháng 2/2023, Nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 3. Động thái này được đưa ra để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, trong khi Moskva cũng ngừng bán thêm dầu các khách hàng tuân thủ mức giá áp trần do phương Tây đặt ra là 60 USD/thùng.
Theo IEA, doanh thu thương mại dầu mỏ của Nga đã tăng 1,7 tỷ USD trong tháng, đạt 15 tỷ USD trong tháng 4. Gần 80% các chuyến hàng dầu thô của nước này đến Trung Quốc và Ấn Độ.
“Xuất khẩu dầu thô Nga có thể đang tăng khối lượng để bù đắp cho doanh thu bị mất”, IEA nhận định trong báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 4.
Xuất khẩu dầu thô tăng vọt đã được một số chuyên gia coi là một thành công của Nga trong việc chuyển hướng nguồn cung sang những người mua mới sau khi Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc nhóm G7 cấm dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ từ thị trường Nga.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã dẫn đến việc định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu với quy mô lớn nhất từ trước đến nay khi Nga chuyển phần lớn dầu mỏ sang châu Á trong năm 2022.
“Nga dường như gặp một số vấn đề trong việc tìm kiếm khách hàng sẵn sàng mua dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của mình, đồng thời phải hạ giá bán như các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đối tác kể từ khi lệnh cấm vận có hiệu lực”, báo cáo của IEA nêu.
Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak trước đó từng tuyên bố rằng nước này sẽ định tuyến lại hơn 60% lượng dầu và sản phẩm dầu mỏ xuất khẩu từ EU sang châu Á trong năm nay. Theo ông Novak trong số 220 triệu tấn sản phẩm thô và tinh chế trước đây dành cho EU, Nga sẽ chuyển 140 triệu tấn sang châu Á.
Theo ước tính của IEA doanh thu xuất khẩu dầu thô của Moskva trong tháng 4 thấp hơn 27% so với cùng tháng năm ngoái, một phần do giá năng lượng toàn cầu giảm.
Nga cũng đã chào bán dầu thô với giá cạnh tranh hơn đến nhiều khách hàng mới, góp phần làm giảm doanh thu. Tuy nhiên, mức chiết khấu đó được cho là đã bắt đầu thu hẹp do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở châu Á.
“Sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục vượt qua mong đợi, với việc quốc gia này lập kỷ lục mọi thời đại trong nhập khẩu dầu thô vào tháng 3 - 16 triệu thùng/ngày đã tác động lớn đến thị trường”, báo cáo IEA nêu rõ.
Việc Trung Quốc chống dịch COVID-19 thành công dự kiến sẽ đẩy nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 tăng mạnh. IEA đã nâng mức dự báo thêm 2,2 triệu thùng/ngày lên 102 triệu thùng/ngày, trong đó Trung Quốc sẽ chiếm gần 60% mức tăng.
Bình luận