RT dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho biết, các nước phương Tây bên ngoài vẫn tuyên bố thực hiện lệnh trừng phạt đối với dầu thô Nga nhưng lại gián tiếp mua dầu từ Moskva thông qua các nước thứ ba.
Trước đó, vào tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) và nhóm các nước G7 đã áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga. Các hạn chế tương tự cũng được đưa ra đối với các sản phẩm từ dầu thô của Nga vào tháng 2/2023.
Tuy nhiên theo báo cáo của CREA, phương Tây một mặt áp đặt trần giá bán dầu Nga, mặt khác lại mua các sản phẩm được tinh chế từ dầu Nga thông qua các nước thứ ba.
Báo cáo của CREA cũng chỉ ra rằng, EU, Australia và hầu hết các quốc gia G7 đã nhập khẩu tổng cộng 45,9 tỷ USD sản phẩm dầu thô từ các nước mua dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga trong một năm qua.
Theo CREA, trong liên minh các quốc gia tham gia áp trần giá dầu Nga thì EU là nơi nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm dầu từ các quốc gia thứ ba với giá trị ước tính lên đến 19,4 USD, kể từ tháng 2/2022 đến nay. Tiếp theo là Mỹ với 7,2 tỷ USD, Anh với 5,5 tỷ USD và Nhật Bản với 5,2 tỷ USD. Tỷ lệ sản phẩm dầu nhập khẩu của các quốc gia trên là dầu diesel (29%), nhiên liệu máy bay (23%) và xăng (13%).
Cũng theo CREA, xuất khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu hàng tháng của Trung Quốc sang EU và Australia đã tăng cao nhất trong lịch sử chỉ trong cuối năm 2022.
Báo cáo của CREA dựa trên dữ liệu theo dõi tàu chở dầu và chở hàng cũng như hợp đồng thương mại công khai giữa các bên. Theo đó EU và Mỹ đã tăng cường nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế từ Trung Quốc lên 94%, Thổ Nhĩ Kỳ 43%, UAE 23%, Singapore 33% và Ấn Độ là 2%.
“Các quốc gia tham gia liên minh áp trần giá dầu Nga chịu trách nhiệm cho phần lớn sự gia tăng xuất khẩu các sản phẩm từ dầu từ các quốc gia thứ ba dù dầu của họ có nguồn gốc từ Nga”, báo cáo của CREA nhấn mạnh.
Báo cáo này cũng chỉ ra 56% lượng dầu xuất khẩu của Nga được vận chuyển đến các nước thứ ba đều do các đội tàu thuộc sở hữu hoặc được công ty phương Tây bảo hiểm.
Bình luận