Chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây đã chấp thuận việc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, để tấn công vào lãnh thổ Nga.
The War Zone đưa tin: “Tổng thống Biden gần đây đã chỉ đạo rằng, Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho mục đích phản công ở khu vực Kharkov, để đánh trả lực lượng Nga đang tấn công”. Mặc dù vẫn có những hạn chế đáng kể, nhưng ngày càng có nhiều suy đoán cho rằng, Ukraine có thể tấn công nhiều mục tiêu của Nga hơn và bằng nhiều loại vũ khí của phương Tây hơn.
Đáng chú ý, Anh, Ba Lan và một số thành viên NATO khác cũng đã ít hạn chế Ukraine hơn trong việc sử dụng thiết bị của họ. Các quân nhân Anh đang hoạt động ở Ukraine còn đóng vai trò trung tâm, trong việc hỗ trợ binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu của Nga.
Việc cấp phép tấn công các mục tiêu ở Nga được đưa ra một tuần, sau khi lực lượng Ukraine tiến hành cuộc tấn công chưa từng có vào hệ thống radar cảnh báo sớm Voronezh-DM, tại trạm radar Armavir ở Krasnodar Krai phía tây nam nước Nga.
Hệ thống radar tầm xa này, mặc dù không trực tiếp tham gia các hoạt động quân sự ở Ukraine, nhưng lại là một thành phần cốt lõi trong hệ thống cảnh báo sớm, giúp Nga đối phó với các cuộc tấn công tên lửa hạt nhân có thể xảy ra từ phương Tây.
Vụ tấn công này tuy không ảnh hưởng nhiều đến các lực lượng Nga đang hoạt động trên chiến trường Ukraine, tuy nhiên lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phòng thủ hạt nhân của Nga. Hiện Nga mới triển khai được 7 vị trí sử dụng radar cảnh báo sớm Voronezh quanh đất nước và trạm radar Armavir ở Krasnodar Krai là một trong số đó.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng, các cuộc tấn công từ Ukraine nhằm vào các tài sản liên quan đến lực lượng hạt nhân của Nga, có thể dẫn đến phản ứng leo thang và đáp trả gay gắt từ phía Moskva, như việc tấn công các đường tiếp tế của Ukraine trải dài qua biên giới sang các quốc gia thành viên NATO láng giềng.
Một số nhân vật có ảnh hưởng trên truyền thông Nga, bao gồm cả các cựu quan chức đã yêu cầu Nga tiến hành một vụ thử hạt nhân như một lời cảnh báo đối với các đối thủ NATO.
Radar cảnh báo sớm Voronezh
Radar Voronezh là thế hệ radar cảnh báo sớm hiện tại của Nga, cung cấp khả năng giám sát không phận từ xa để kịp thời phát hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và giám sát máy bay của đối phương. Radar đầu tiên được triển khai ở Lekhtusi gần St Petersbur và đi vào hoạt động từ năm 2009.
Radar Voronezh được chế tạo sẵn, rút giúp ngắn thời gian triển khai hơn rất nhiều so với các thế hệ radar trước. Voronezh được thiết kế có dạng mô-đun để radar vẫn có thể được đưa vào hoạt động (một phần) trong điều kiện chưa được hoàn thiện.
Chính quyền Nga đã nêu lên mối lo ngại về các hệ thống phòng thủ tên lửa được Mỹ triển khai ở châu Âu để giải thích cho việc triển khai loại radar tầm xa này. Tại lễ khánh thành trạm radar Kaliningrad vào tháng 11/2011, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã nói rằng, “Tôi hy vọng rằng bước đi này sẽ được các đối tác của chúng tôi coi là tín hiệu đầu tiên về sự sẵn sàng của Nga, để thực hiện một phản ứng thích đáng trước những mối đe dọa mà lá chắn tên lửa của Mỹ đặt ra cho lực lượng hạt nhân chiến lược của chúng tôi”.
Radar Voronezh hiện có 3 phiên bản đang được khai thác. Phiên bản Voronezh-M hoạt động trong dải bước sóng mét (VHF) và được thiết kế bởi RTI Mints. Phiên bản Voronezh-DM hoạt động dải bước sóng decimet (UHF) và được thiết kế bởi NPK NIIDAR.
Voronezh-M có phạm vi hoạt động lên tới 10.000 km và có khả năng theo dõi đồng thời 500 vật thể. Ở khoảng cách 8000 km, radar có thể phát hiện được mục tiêu có kích thước bằng quả bóng đá.
Phiên bản Voronezh-VP hoạt động trong phạm vi mét (VHF) và được thiết kế bởi RTI Mints. Một chiếc Voronezh-M có giá khoảng 32.000 USD và một chiếc Voronezh-DM có giá khoảng 50.000 USD.
Bình luận