Ukraine sử dụng HIMARS phá hủy S-400 ngay trên lãnh thổ Nga

Quân sựThứ Ba, 04/06/2024 06:09:43 +07:00
(VTC News) -

Lần đầu tiên Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào một mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga và phá hủy hệ thống phòng không S-400.

Theo Bulgarian Military, các lực lượng Ukraine đã phá hủy thành công hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga ở vùng Belgorod, bằng cách sử dụng tên lửa GMLRS từ bệ phóng HIMARS.

Cuộc tấn công này được cho là đã phá hủy ít nhất hai bệ phóng tên lửa và một trung tâm chỉ huy, dưới sự phối hợp và hỗ trợ từ các cố vấn Mỹ. 

Một đoạn video được tiết lộ sau đó cho thấy hậu quả của vụ tấn công, trong đó chính quyền Nga cho biết không có thương vong về người. Vụ việc này làm gợi nhớ đến cuộc tấn công diễn ra trước đó ở khu vực Donetsk, nơi tên lửa ATACMS của Ukraine đã phá hủy một số phương tiện phòng không của Nga, trong đó có cả tên lửa S-400.

Có vẻ như Ukraine đang chờ đợi sự chấp thuận của phương Tây để tiến hành các cuộc tấn công liên tục hơn, vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Cuộc tấn công ở Donetsk

Một video được lực lượng Ukraine công bố hôm 24/5 cho thấy cảnh hệ thống S-400 của Nga bị tên lửa đạn đạo chiến thuật do Mỹ sản xuất phá hủy. Vụ tấn công này diễn ra ở khu vực Mospine thuộc vùng Donetsk. Lực lượng Nga đã bắn tên lửa chống đạn đạo trong nỗ lực ngăn chặn mối đe dọa đang đến gần. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc vô hiệu hóa tên lửa ATACMS, do chúng thay đổi quỹ đạo liên tục và tốc độ tấn công rất cao. 

Trong cuộc tấn công này, hai hệ thống tên lửa phòng không S-300/400 đã bị phá hủy. Ngoài ra, hệ thống radar 96L6E và trạm điều khiển hệ thống phòng không S-300/400 cũng bị phá hủy.

Hình ảnh được ghi lại sau vụ tấn công.

Hình ảnh được ghi lại sau vụ tấn công.

Tên lửa HIMARS

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) là phương tiện phóng tên lửa rất linh hoạt và có tính cơ động cao do Mỹ phát triển. Nó được thiết kế nhằm cung cấp hỏa lực phản ứng nhanh và chính xác để hỗ trợ các lực lượng mặt đất trong chiến đấu. HIMARS được gắn trên khung xe tải chiến thuật hạng trung (MTV) tiêu chuẩn của Quân đội Mỹ, giúp tăng tính cơ động và khả năng triển khai tư thế chiến đấu rất nhanh chóng trên chiến trường. 

Về kích thước, xe HIMARS dài khoảng 7 m, rộng 2,5 m và cao 3 m. Kích thước nhỏ gọn này cho phép hệ thống tên lửa có thể được vận chuyển bằng máy bay C-130, mang lại khả năng cơ động chiến lược. Trọng lượng của hệ thống HIMARS là khoảng 16,2 tấn, được đánh giá là nhẹ hơn và linh hoạt hơn so với các hệ thống pháo binh khác. 

HIMARS được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực bao gồm máy tính đa năng có kết nối GPS giúp tăng cường khả năng nhắm mục tiêu chính xác. Bệ phóng có thể mang theo sáu tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS) hoặc một tên lửa chiến thuật (ATACMS). Điểm đặc biệt nhất của hệ thống HIMARS là khả năng nhắm mục tiêu với độ chính xác cao và tính cơ động giúp nó hạn chế được mức thiệt hại tối thiểu.

Khung xe HIMARS được trang bị động cơ diesel, mang lại sự cân bằng giữa công suất và hiệu quả sử dụng nhiên liệu, đây là điều rất cần thiết cho các phương tiện quân sự, hoạt động trong thời gian dài ở những địa hình phức tạp. 

Các loại thiết bị được sử dụng trong HIMARS bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực toàn cầu (UFCS), tích hợp với nhiều cảm biến và hệ thống liên lạc tiên tiến để nâng cao khả năng nhận thức tình huống cũng như chỉ huy và kiểm soát. Ngoài ra, bệ phóng còn được trang bị hệ thống thủy lực để nạp đạn nhanh và hệ thống kiểm soát khí hậu để đảm bảo khả năng sẵn sàng hoạt động, trong các điều kiện môi trường khác nhau.

Hình ảnh thiệt hại của hệ thống S-400.

Hình ảnh thiệt hại của hệ thống S-400.

Tên lửa GMLRS và ATACMS

GMLRS là rocket tăng tầm, sử dụng hệ thống dẫn đường GPS kết hợp với dẫn đường quán tính. Nó được giới thiệu vào năm 2005 cùng với rocket M30 và M31. Còn ATACMS là hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân, là một loại tên lửa tên lửa đất đối đất có đường kính 610 mm với tầm bắn vào khoảng 300 km.

HIMARS có thể phóng một số loại tên lửa, chủ yếu là GMLRS và ATACMS. Tên lửa GMLRS được biết đến với độ chính xác và tầm bắn xa, có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa tới 70 km. Mặt khác, tên lửa ATACMS có tầm bắn xa hơn tới 300 km và được thiết kế để tấn công các mục tiêu có giá trị cao, chẳng hạn như trung tâm chỉ huy và hệ thống phòng không đối phương.

Với những tính năng tác chiến tiên tiến, HIMARS thực sự là một loại vũ khí quan trọng của Quân đội Mỹ trong chiến tranh hiện đại, cung cấp cả hỏa lực chiến thuật và chiến lược.

Video được ghi lại sau vụ tấn công cho thấy những thiệt hại của hệ thống S-400 Nga.

Lê Hưng(Nguồn: Bulgarian Military)
Bình luận
vtcnews.vn