Những ngày qua, dư luận xôn xao về dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giáo dục do Bộ GD-ĐT công bố.
Theo đó, Bộ đưa ra để lấy ý kiến góp ý từ 28/9 đến hết ngày 25/11/2018. Như vậy, dự thảo này được hoàn thiện sẽ thay thế Nghị định số 138 năm 2013.
Điều khiến dư luận quan tâm ở đây là bản dự thảo có nội dung, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng, xâm phạm thân thể người học sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Đi kèm với mức phạt này, giáo viên phải xin lỗi công khai và có thể bị đình chỉ từ 1 đến 6 tháng.
Bộ GD-ĐT đang làm thay Bộ Tư pháp
Trả lời VTC News, anh Nguyễn Sóng Hiền – nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục, Đại học Newcastle (Australia) cho biết, hiện nay đang có hiện tượng ban hành chính sách ngẫu hứng, thiếu đi sự thăm dò dự luận và lấy ý kiến của những người trực tiếp bị tác động đó chính là đội ngũ giáo viên, các em học sinh và phụ huynh.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền khẳng định, những quy định trong dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giáo dục chồng chéo pháp luật, dường như Bộ GD-ĐT đang làm thay Bộ Tư pháp.
“Dự thảo của Bộ GD chỉ mang tính chắp vá, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu một triết lý giáo dục làm nền tảng căn cơ để thúc đẩy các nguồn lực giáo dục hướng tới tầm nhìn của con người thế kỷ 21- thế kỷ toàn cầu hoá - thế kỷ của công dân toàn cầu chứ không phải luẩn quẩn mãi với những giáo điều đã cũ”, anh Hiền cho hay.
Anh Hiền băn khoăn, có phải Bộ GD-ĐT bất lực về đường lối giáo dục mới nên phải cần đến chế tài của pháp luật. Nếu Bộ chưa đảm bảo được đời sống giáo viên, chưa đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất giảng dạy, giáo viên phải căng mình vì những thay đổi của chương trình mới, của sách giáo khoa ...thì những xử phạt này càng khiến cho tư tưởng và tâm lý giáo viên càng chán nãn và ức chế.
XEM THÊM BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ TẠI ĐÂY:
Video: Bi hài cả lớp đua nhau mách tội bạn bè để được cô giáo cộng điểm
Đừng xem giáo viên như tội phạm
Anh Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, Bộ GD-ĐT cần lấy ý kiến rộng rãi giáo viên, các chuyên gia giáo dục trước khi ban hành bất kỳ một Nghị định nào. Theo anh Hiền, vì các Nghị định liên quan và tác động tới lợi ích của giáo viên nên họ phải có tiếng nói của mình, đó mới thực sự là nền giáo dục dân chủ.
Nghiên cứu sinh này cho hay: “Với cách làm theo kiểu mệnh lệnh quan liêu hành chính như hiện nay, Bộ GD-ĐT đang đẩy những đồng nghiệp của mình đến con đường bế tắc về tư tưởng, trong khi không ai khác chính đội ngũ giáo viên mới là linh hồn của nhà trường nếu không có họ mọi chính sách giáo dục chỉ mãi nằm trên bàn giấy.
Cải thiện thu nhập,đảm bảo đời sống tốt cho đội ngũ giáo viên thì tự khắc việc dạy thêm, học thêm cũng chẳng cần đến Nghị định”.
“Xử phạt giáo viên bằng tiền là dấu hiệu của sự bất lực của một nền giáo dục tụt hậu. Tôi nghĩ, vấn đề bạo lực học đường liên quan đến vấn đề dân chủ trong trường học. Chúng ta vẫn duy trì quan niệm cũ về mối quan hệ thầy trò - thầy giữ quyền uy tuyệt đối, trò lắng nghe và làm theo”, anh Sóng Hiền băn khoăn.
Điều cần thiết bây giờ, theo anh Hiền là phải thay đổi tư duy, cách nhìn nhận về mối quan hệ giữa thầy và trò trong bối cảnh xã hội mới. Theo đó, thầy cô phải biết lắng nghe, biết tôn trọng và đồng cảm với học sinh của mình. Điều này nằm ở khía cạnh kỹ năng sư phạm và phẩm chất sư phạm của mỗi giáo viên.
Anh Hiền cho rằng, pháp luật chỉ mang tính răn đe chứ không triệt tiêu được bạo lực. Vì vậy, ngay từ khâu tuyển đội ngũ giáo viên, cần nhất là phải tuyển được những giáo viên có tố chất sự phạm.
Thời gian qua, việc hạ thấp đầu vào tuyển chọn nghành sư phạm dẫn đến việc tuyển sinh tràn làn đối với giáo dục mầm non. Chính việc thiếu đi sự kiểm tra chất lượng đầu vào dẫn tới chất lượng đầu vào đội ngũ giáo viên thấp.
“Không thể xem một vài hiện tượng cá biệt của giáo viên mà đánh đồng họ thành những tội phạm và phải xử phạt”, nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền bày tỏ.
Bình luận