Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành chỉ thị về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2020.
Theo đó, trong năm nay Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý căn bản các tồn tại kéo dài như: “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; nhũng nhiễu cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; không tuân thủ tôn chỉ, mục đích; vi phạm đạo đức người làm báo; tin tiêu cực như là dòng chảy chính làm mất đi năng lượng tích cực của xã hội.
Trong bối cảnh đó, với mục tiêu tổng quát năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông là "Năm chuyển đổi số quốc gia" cùng với phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”.
Đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo lên khát vọng Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045, khi tròn 100 năm nước Việt Nam mới.
Bộ sẽ thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo đúng nội dung Quy hoạch và Kế hoạch số 1738/KH-BTTTT ngày 04/6/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thực thi pháp luật, không chấp nhận mọi lý do gây chậm trễ tiến độ thực thi Quy hoạch đối với tất cả các cơ quan chủ quản cơ quan báo chí.
Bộ sẽ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong báo chí nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện Quy hoạch và xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện. Năm 2020 là năm các cơ quan chủ quản báo chí thực hiện đúng và đủ chức trách, nhiệm vụ của mình đã quy định trong Luật Báo chí.
Mặt trận báo chí truyền thông phải có lực lượng là những cơ quan báo chí, xuất bản chủ lực. Trong năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án Hỗ trợ báo chí, xuất bản phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu; tăng cường đặt hàng báo chí để các bộ, ban, ngành, địa phương có thêm ngân sách đặt hàng các nhiệm vụ chính trị đối với báo chí; xây dựng Quỹ Phát triển Báo chí từ nguồn xã hội hóa nhằm tập trung các nguồn lực về cơ chế, chính sách, về tài chính, về tổ chức để xây dựng lực lượng báo chí chủ lực có khả năng định hướng dư luận, có tầm vóc quốc tế.
Thực thi luật pháp nghiêm minh với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng theo nguyên tắc Việt Nam là đất nước có chủ quyền, mọi doanh nghiệp bất kể trong nước hay nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, bảo đảm các nền tảng có số lượng lớn người sử dụng phải lành mạnh, phải sạch, phải xác định được danh tính người sử dụng. Đảm bảo tỷ lệ ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật mà phát hiện và xác minh được trên mạng xã hội đạt tối thiểu từ 70 đến 80%.
Bộ sẽ thực hiện tốt việc bảo đảm quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của nhân dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống thông tin cơ sở đặc biệt là hệ thống loa phường, xã phải thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công nghệ toàn diện. Đây là kênh tuyên truyền lớn nhất, hiệu quả nhất, là kênh có từ 70 đến 80 triệu người nghe hàng ngày vượt trội tất cả các kênh tuyên truyền, phát thanh, truyền hình quảng bá hiện nay.
Bộ cũng xây dựng Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài hướng tới chuyển đổi số cho hoạt động thông tin đối ngoại, sử dụng các công nghệ truyền thông tiên tiến như công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, mạng xã hội… đáp ứng nhu cầu nội dung thông tin của mọi cá nhân có quan tâm đến Việt Nam về đất nước, con người, ẩm thực, du lịch, thể thao...
Bình luận