Đây là quan điểm của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại cuộc họp nghe báo cáo về kết quả bước đầu về xử lý tiếng ồn trên địa bàn TP chiều 26/4.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sẽ kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu. "Nếu qua kiểm tra tình trạng vi phạm tiếng ồn trên địa bàn có thật mà người đứng đầu thiếu kiên quyết, thiếu chủ động, thiếu quyết tâm xử lý thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Cụ thể là Chủ tịch UBND phường, Chủ tịch UBND quận" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Ông cho rằng xử lý tiếng ồn là việc quá nhỏ, có gì lớn đâu, không hiểu sao làm không được. Việc nhỏ mà làm không xong thì không nên làm chủ tịch quận, chủ tịch phường.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã có 4 quy định pháp luật để xử lý vi phạm tiếng ồn.
Nếu quy định này không phù hợp thì linh động áp dụng quy định khác mà dễ áp dụng nhất là Nghị định 167 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình và Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ.
"Anh em vẫn còn nhìn xa quá, không thấy cái gần, trách nhiệm của mình. Tôi khẳng định không có gì là khó khăn ở đây mà vấn đề phải biết sử dụng quy định pháp luật nào để xử lý và đều có cơ sở để xử lý" - ông nhấn mạnh lần nữa.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết việc xử lý vi phạm tiếng ồn này phải có cái nhìn mang tính lâu dài. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng được môi trường đô thị yên bình, tốt nhất cho người dân sống theo đúng một đô thị văn minh.
Do đó, việc xử lý vi phạm tiếng ồn cần thời gian và phải được thực hiện theo hướng kiên trì vận động và kiên quyết xử lý. Có thể đến cuối năm TP.HCM đạt được những kết quả trong xử lý vi phạm tiếng ồn nhưng nếu lơ là thì vấn nạn này sẽ quay lại. Tinh thần là làm lâu dài, bền bỉ và kiên trì.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tiếp tục đề nghị các ban, ngành, địa phương tiếp tục từ nay đến tháng 6 tiếp tục tuyên truyền, vận động thường xuyên, nhất là những nơi tái đi tái lại và những nơi có nguy cơ phát sinh tiếng ồn như chung cư, nhà trọ, công sở…
Giai đoạn còn lại phải tiếp tục làm tốt hơn công tác vận động cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, chỗ nào phát sinh thì xử lý nghiêm.
"Cam kết là cơ sở để xử lý, không phải cam kết theo phong trào. Sau này, nếu không có cam kết mà phát hiện thì trách nhiệm này của chính quyền địa phương. Nếu cam kết đã có mà phát hiện có vấn đề thì xử lý cơ sở , người đứng đầu địa phương đó" - ông Võ Văn Hoan nói.
Đánh giá việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM về công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết có sự giảm nhất định ở các địa phương. Người dân đã nhận thức hơn về việc giữ gìn sự yên tĩnh trong khu dân cư.
Cổng thông tin 1022 đã hoạt động hiệu quả với 1061 tin được tiếp nhận (từ 10/3 đến 19/4/2021), trong đó 764 tin đã xử lý, chiếm 72%; 297 tin đang xử lý, chiếm 28%. Ngoài cổng thông tin 1022, các quận huyện có các kênh tiếp nhận qua phần mềm trực tuyến, đường dây nóng của các quận huyện.
Bình luận