• Zalo

Xử lý "thực phẩm bẩn": Đề xuất truy tố hình sự

Thời sựChủ Nhật, 13/12/2015 08:39:00 +07:00Google News

Theo thống kê của ngành y tế, thực phẩm bẩn đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến 150.000 ca ung thư mỗi năm ở Việt Nam.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Quốc hội bổ sung hành vi sử dụng chất cấm là một tội ác cần phải truy tố theo luật hình sự.

Theo thống kê của ngành y tế, thực phẩm bẩn đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến 150.000 ca ung thư mỗi năm ở Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế hiện nay chưa có chế tài nào đủ sức răn đe đối với loại tội phạm này. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là cần phải sửa luật để xử lý nghiêm và phòng ngừa những vi phạm này.


Không tố cáo vì... ngại va chạm

Có lẽ đối với người tiêu dùng mặt hàng bị vi phạm quyền lợi nhiều nhất chính là thực phẩm. Thế nhưng nghịch lý là các vụ khiếu nại, tố cáo về thực phẩm lại luôn đứng chót trong số các vụ việc liên quan đến người tiêu dùng, và nếu có, chủ yếu là những vụ việc về thực phẩm đóng gói sẵn.

Còn thịt ôi thối, thịt tồn dư hóa chất, kháng sinh, hoa quả chứa chất bảo quản, rau tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… là những vi phạm phổ biến nhất thì hầu như không có vụ khiếu kiện nào.

 

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Tuyết Vân, Chủ nhiệm CLB người tiêu dùng nữ, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng do tâm lý ngại khiếu tố, khiếu nại của người dân, đặc biệt với mặt hàng thực phẩm thì còn khó khăn hơn rất nhiều.

Vì thế lâu nay, Hội này chủ yếu nhận được phản ánh về các sản phẩm hàng tiêu dùng, máy móc, thiết bị chứ liên quan đến VSATTP thì rất ít.

“Hiện nay việc xử lý tố cáo của mình không nghiêm, không rốt ráo, thủ tục rườm rà, nhiêu khê, nhiều quy định bất hợp lý nên người dân thứ nhất là không có thời gian, điều kiện theo đuổi, thứ hai là ngại va chạm. Hơn nữa, người tiêu dùng có đi khiếu nại, đến cơ quan công quyền khoảng vài lần mà thấy thờ ơ thì người ta cũng chán.


Thế nên nếu có chẳng may bị ngộ độc thì uống thuốc hay đi vào viện điều trị cho xong rồi về chứ chẳng ai đi tố cáo làm gì. Một khó khăn nữa là do chính người tiêu dùng, khi mà đa phần đều mua hàng không có hóa đơn, thế nên nếu có xảy ra chuyện thì cũng chẳng có căn cứ mà khiếu nại” - bà Vân nói.

Tương tự, theo một cuộc điều tra xã hội học do Hội Nông dân và Hội Phụ nữ thực hiện, khi được hỏi: Vì sao người dân phát hiện thực phẩm bẩn mà không đấu tranh? Có tới gần 85% người dân trả lời là ngại va chạm.

Vì thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, đa phần là mua hàng ở chợ, của người quen nên khi xảy ra việc rất ít tố cáo. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen và suy nghĩ này, kiên quyết chỉ mua hàng có nguồn gốc, rõ địa chỉ sản xuất kinh doanh, thì khi xảy ra chuyện mới có kẻ để mà “nắm tóc”.


Cần có chế tài nghiêm khắc hơn

Hiện nay, các văn bản và chế tài xử lý các sai phạm trong lĩnh vực VSATTP đã rất nhiều và khá đầy đủ nhưng chưa đủ sức răn đe.

Hầu hết các vi phạm về thực phẩm mới dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền và một số hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh từ 1 đến 6 tháng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả…


Ngay cả với những vi phạm có tính hệ thống, quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm thì các chế tài vẫn chưa đủ mạnh.

Vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã phải bức xúc kiến nghị: Cần coi chất cấm trong chăn nuôi như ma tuý, sử dụng chất cấm là tội ác, đồng thời đề nghị Quốc hội bổ sung hành vi sử dụng chất cấm là một tội ác cần phải truy tố theo luật hình sự.


Trên thực tế hiện nay, một số vi phạm về VSATTP cũng đã được quy định tại Bộ luật Hình sự, nhưng lại như “đánh đố” cơ quan chức năng vì bế tắc trong việc chứng minh tội phạm.

Tại Điều 244 Bộ Luật hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về ATTP, theo đó có đề cập đến người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng…

Tuy nhiên, trên thực tế thì những điều này có nhiều bất cập bởi, theo chủ quan, luật quy định người phạm tội là người biết rõ thực phẩm họ chế biến, cung cấp là không đảm bảo tiêu chuẩn, nhưng khái niệm “biết rõ” cũng rất khó chứng minh.


Còn với những hậu quả “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” hay “đặc biệt nghiêm trọng”… nghe qua thì rất là lớn nhưng lại không được giải thích rõ ràng.

Với mặt hàng thực phẩm, nếu có vi phạm dù rất nghiêm trọng thì hậu quả để lại cũng chưa chắc đã rõ ràng, có thể xác định được ngay.

Nhất là với các chất cấm tồn dư, có khi tích tụ trong cơ thể hàng chục năm mới phát bệnh, như vậy có được xác định là “nghiêm trọng” hay không? Đây chính là những khó khăn khiến vấn đề xử lý vi phạm về VSATTP phần lớn mới dừng lại ở xử phạt hành chính.


Vì vậy, theo các chuyên gia, chúng ta nên xem xét lại việc vi phạm quy định về VSATTP, chỉ cần có dấu hiệu của hành vi phạm tội là thỏa mãn cấu thành tội phạm chứ không cần phải xảy ra hậu quả mới xử lý hình sự. Chẳng hạn hành vi đưa chất cấm vào thức ăn chăn nuôi, chỉ cần có hành vi vi phạm thì cần phải xem xét xử lý hình sự.

 
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có đến 80% tổng số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra bị phát hiện có chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm nào đó.

Mới đây, trong đợt cao điểm ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các cơ quan chức năng đã phát hiện 7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm, trong đó phổ biến là chất tạo nạc và chất Vàng O. Đây đều là những chất có khả năng gây ung thư và di truyền qua các thế hệ. Đợt cao điểm này sẽ còn kéo dài đến sau Tết nguyên đán 2016.

Nguồn: Trâm Anh(An ninh Thủ đô)

Bình luận
vtcnews.vn