• Zalo

Xử lý 12 dự án 'đắp chiếu': Đại biểu Quốc hội tin vào sự quyết liệt của Chính phủ

Kinh tếThứ Năm, 07/09/2017 11:56:00 +07:00Google News

Trả lời báo chí, một số Đại biểu Quốc hội cho biết họ đặt niềm tin vào những giải pháp, vào sự chỉ đạo quyết liệt và dứt điểm của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đối với 12 dự án thua lỗ, “đắp chiếu” của ngành Công Thương.

Nghị quyết số 33 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, khóa 14 đã giao Chính phủ rà soát đánh giá khó khăn, vướng mắc tại một số dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương nhằm đưa ra phương án xử lý. Ngay sau đó, Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ do phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.

12 dự án thua lỗ chịu trách nhiệm xử lý của Ban chỉ đạo gồm: 4 dự án thuộc nhóm sản xuất phân bón, 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học, 2 dự án sản xuất thép, nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ, nhà máy đóng tàu Dung Quất và nhà máy bột giấy Phương Nam. 12 dự án này có tổng tài sản là 63.610 nghìn tỷ đồng và tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng.

Có thể nói, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ rất rõ ràng khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo từng chỉ ra “bệnh” chung của 12 dự án, trong đó, khi lập dự án, phê duyệt dự án thì làm rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất trì trệ, vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 43% so với dự toán, nhiều dự án kéo dài tới giờ chưa xong, có nhà máy xong rồi nhưng không hoạt động được…

Xử lý 12 dự án “đắp chiếu”: Đại biểu Quốc hội đặt niềm tin vào những giải pháp, sự chỉ đạo quyết liệt và dứt điểm của Chính phủ - ảnh 1

Nhà máy Đạm Ninh Bình- 1 trong 12 dự án đang được tháo gỡ.

Thứ nữa là khi lập phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh thì thông số đầu vào khả quan, chi phí sản xuất thấp và giá trị đầu ra cao nhưng khi vận hành thì thông số đầu vào cao còn giá trị đầu ra thì thấp...

Trước nhiệm vụ đặt ra, Ban chỉ đạo của Chính phủ đã vào cuộc xử lý ngay từ tháng 12/2016 nhằm đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể.

Và với sự sát sao của Phó Thủ tướng,Trưởng Ban chỉ đạo Vương Đình Huệ, mới chỉ qua nửa năm, những dự án “đắp chiếu” đã lần lượt được từng bước được xử lý, một số dự án được tháo gỡ… Điều này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và dõi theo của truyền thông, dư luận.

Những kết quả ban đầu đáng khích lệ cũng đã được lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2017. Khi đó, trả lời câu hỏi của báo giới, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết, sau hơn 7 tháng nỗ lực và quyết tâm, việc xử lý 12 dự án đã có những kết quả tích cực.

“Ban chỉ đạo đã làm việc trực tiếp với 9/12 dự án, nắm tình hình, cùng địa phương và bộ ngành có phương án xử lý. Gần 200 văn bản chỉ đạo sát sườn từng dự án đã được ban hành. Đến nay, một số dự án có chuyển biến ban đầu tốt.

Đặc biệt là nhóm 4 nhà máy sản xuất phân bón đã hoạt động trở lại. 2 nhà máy thép có chuyển biến tích cực. Nhà máy bột giấy Phương Nam lên phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản...", ông Hưng cho hay.

Không những thế, những kết quả ban đầu nói trên cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ còn nhận được sự chia sẻ từ các Đại biểu Quốc hội, nguyên Đại biểu Quốc hội.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Chủ tịch Hội hoá học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường và Phát triển cộng đồng, ĐBQH khoá XIII cho rằng, có được những tín hiệu mừng này là nhờ có sự chỉ đạo thực sự, cụ thể và nỗ lực của Chính phủ.

Chính phủ, Phó Thủ tướng đã có những phương thức chỉ đạo mới, đi sát doanh nghiệp, đến tận nơi tìm mối gỡ và sâu sát lắng nghe chứ không chỉ ngồi nghe báo cáo.

“Chính phủ, phó Thủ tướng đặc biệt lắng nghe nhưng phải kiên quyết, lấy mục tiêu chất lượng làm đầu thì mới khắc phục được. Từ trước đến nay chủ trương thì ít sai, quan trọng là tổ chức thực hiện phải đến nơi đến chốn. Những dự án đã quá trì trệ rồi mà nay khôi phục lại, thậm chí một số dự án đi vào hoạt động trở lại và khởi sắc là không hề dễ dàng. Điều này chứng tỏ Chính phủ, Ban chỉ đạo đã phải cố gắng rất nhiều...

Thời gian qua, tôi thấy một số Phó Thủ tướng đã chỉ đạo rất sát và làm cho doanh nghiệp yên lòng, người dân tin tưởng”, bà Bùi Thị An nói.

Dù vậy, theo bà An, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới, việc xử lý 12 dự án còn rất nhiều khó khăn, trở ngại và cần nhiều hơn nữa sự chỉ đạo từ phía Chính phủ, từ Ban chỉ đạo dự án...

“Trên tinh thần chung Chính phủ cam kết là Chính phủ kiến tạo, chính phủ lấy mục tiêu hài lòng của dân là chính và mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tôi đề nghị Chính phủ phải tiếp tục chỉ đạo sâu sát hơn, cụ thể, giám sát các cấp chặt chẽ hơn như đã nêu”, bà An bày tỏ.

Xử lý 12 dự án “đắp chiếu”: Đại biểu Quốc hội đặt niềm tin vào những giải pháp, sự chỉ đạo quyết liệt và dứt điểm của Chính phủ - ảnh 2

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém (Ảnh: Nam Nguyễn) 

Trong trao đổi với báo chí gần đây, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng chia sẻ, Thường trực Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban chỉ đạo đối với 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công Thương. Sau hơn nửa năm, với những kết quả ban đầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình.

“Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được phân công của một Trưởng Ban chỉ đạo. Phó Thủ tướng cũng đã làm đúng thủ tục, đúng thời hạn, đúng nhiệm vụ. Trưởng Ban chỉ đạo chỉ là một trong rất nhiều việc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được phân công làm.

Đối với nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng đã hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ và thường trực Chính phủ giao, để đến 25/7 này sẽ tiếp tục đôn đốc quyết sách cho từng dự án trong tổng số 12 dự án yếu kém”, ông Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, việc xử lý 12 dự án trên sẽ còn tiếp tục nên thời điểm hiện tại chưa thể nói gì được nhiều. Hiện tại việc xử lý, đôn đốc các dự án mới chỉ là bước đầu nên đến cuối năm 2017 thì kết quả sẽ rõ ràng hơn.

Chia sẻ quan điểm về điều này, một số Đại biểu Quốc hội cũng cho biết họ đặt niềm tin vào những giải pháp, vào sự chỉ đạo quyết liệt và dứt điểm của Chính phủ, Ban Chỉ đạo đối với 12 dự án.

Các Đại biểu Quốc hội cũng rất tin tưởng vào Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ, khi ông đã có nhiều phiên họp chủ trì triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về 12 dự án.

Phó Thủ tướng khi đó đã thể sự quyết tâm khi yêu cầu các đơn vị liên quan sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước theo lộ trình hết năm 2017 hoàn thành phương án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức xong việc triển khai các phương án; hết năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020 thì hoàn thành xử lý các nhà máy, dự án.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm quản lý kinh tế của các cá nhân, tập thể gây thua lỗ tại 12 dự án nêu trên.

Đặc biệt, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị các bộ, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty liên quan phải xắn tay vào việc và “nếu ai không làm và làm không xong thì sẽ thay thế”.

Cũng mới chiều qua (6/9), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ lại tiếp tục họp bàn về xử lý tồn tại vướng mắc 12 dự án ngành công thương đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo.

Tại cuộc họp cập nhật chiều qua, sau thời gian chỉ đạo quyết liệt, lãnh đạo Bộ Công Thương có báo cáo kết quả tới Phó Thủ tướng, Bộ tích cực chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, nhà máy. Các bộ, ngành khác trong phạm vi trách nhiệm cũng thể hiện rõ vai trò tích cực trong phối hợp hoạt động.

Đặc biệt, Tập đoàn Dầu khí đã vào cuộc, xử lý 5 dự án, nhà máy với các phương án, kế hoạch quyết liệt. Nhờ nỗ lực của các bộ, ngành và doanh nghiệp nên nhiều nhà máy, dự án đã có giá bán cao hơn biến phí, bù đắp một phần khấu hao và một số doanh nghiệp như DAP Hải Phòng và Thép Việt Trung đã có lãi.

Tại cuộc họp này, Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục cho ý kiến chỉ đạo, theo đó Phó Thủ tướng cho rằng việc xử lý các vướng mắc của nhà thầu EPC ở một số dự án chưa tiến triển nhiều; việc tái cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển và một vài ngân hàng thương mại còn chậm ở một vài dự án, nhà máy; một số cơ chế chính sách chưa được thực hiện kịp thời như thuế xuất khẩu thạch cao nhân tạo, sửa Luật số 71 về thuế giá trị gia tăng; chuyển biến của một số dự án, nhà máy còn chậm chưa có kết quả rõ ràng như PVTex.

Video: Điểm mặt 6 dự án BOT sai phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

Để triển khai hiệu quả, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, doanh nghiệp từ nay tới hết quý IV tiếp tục cập nhật các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng Ban chỉ đạo tại các thông báo kết luận nội dung làm việc. Ví dụ đối với PVTex, Phó Thủ tướng nêu rõ Chính phủ không bỏ thêm tiền để khởi động lại Nhà máy mà đây là trách nhiệm và quyền hạn của các cổ đông liên quan.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, doanh nghiệp kiện toàn các ban chỉ đạo xử lý khó khăn vướng mắc của 12 dự án, nhà máy; cơ bản hoàn thành dứt điểm các vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC trong năm 2017 với các báo cáo vướng mắc và lộ trình xử lý cụ thể các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xử lý.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo theo thẩm quyền tới các ngân hàng thương mại về việc cơ cấu lại các khoản nợ, rà soát phân loại nợ, làm căn cứ để Bộ Tài chính giãn khấu hao cho các nhà máy, dự án; Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật số 71 và thuế xuất khẩu thạch cao nhân tạo.

Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu từng dự án, nhà máy tiếp tục tăng cường tiết kiệm, tiết giảm chi phí để có lãi, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhà máy.

Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, tới hết năm 2018, Chính phủ phải giải quyết căn bản các yếu kém của các dự án và tới năm 2020 hoàn thành việc xử lý các dự án, nhà máy này./.

 

(Nguồn: Tổ Quốc)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn