"Chơi chiêu" với thời điểm ra án phạt
Nếu coi việc ban kỷ luật VFF giảm án cho Pape Omar (với hành vi khiêu khích khán giả trên sân Nha Trang) chỉ là một dư chấn nhẹ, án phạt bổ sung cho Hoàng Vũ Samson chính là giọt nước làm tràn ly, làm bùng phát những bức xúc, tranh cãi trong dư luận.
Điều đáng nói ở đây: Án phạt nguội dành cho Hoàng Vũ Samson diễn ra 16 ngày sau khi ban trọng tài VFF tuyên bố "trắng án" cho chân sút của CLB Hà Nội. Nửa tháng nghiên cứu kỹ lưỡng dành cho một vụ việc với sự tham gia của ban tổ chức, đó là khoảng thời gian quá dài, ảnh hưởng tới kế hoạch nhân sự của các đội bóng và khiến dư luận mòn mỏi đợi chờ.
Thời điểm ra án phạt cũng tương đối khéo léo: 2 tiếng trươc khi U23 Việt Nam có trận đấu "khai xuân" trên sân Thống Nhất với đối thủ U23 Malaysia. Chuyên gia Vũ Mạnh Hải đồng ý với nhận định: Khi dư luận cùng người hâm mộ hướng ánh nhìn sang màn trình diễn của thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng, sự tập trung dành cho các án phạt sẽ giảm đi phần nào.
Điều đó khác hoàn toàn so với thời điểm bùng nổ tranh cãi (V-League tạm nghỉ), khi VFF, VPF hoàn toàn không có sự kiện gì để giảm bớt sự quan tâm của dư luận vào 2 án phạt "điểm".
Tất nhiên, đây chỉ là một giả thiết bởi ra án phạt vào thời điểm nào là quyền của ban kỷ luật của VFF, miễn nằm trong khoảng thời gian đã được công bố và cam kết trước đó. Dẫu vậy, với "tiền sử" từng đưa ra án phạt lúc nửa đêm (0h), người ta không thể không đặt ra dấu hỏi về cách những nhà tổ chức làm việc. Phải chăng vì e ngại dư luận đàm tiếu, ban kỷ luật VFF phải tìm cách né tránh và chọn lọc thời điểm như vậy?
Chỉ là bất đồng quan điểm?
Câu chuyện về thời điểm ra án hay những tranh cãi từ hành vi của Hoàng Vũ Samson càng khiến dư luận đặt dấu hỏi về tính thống nhất trong nội bộ VFF.
Theo ông Cao Văn Chóng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), cả giám sát trận đấu, giám sát trọng tài và tiểu ban chuyên môn của BTC giải cũng như ban trọng tài đã phải ngồi lại, bàn bạc kỹ lưỡng để đưa ra kết luận: Hành vi của Hoàng Vũ Samson chỉ là pha bóng tranh chấp liều lĩnh đơn thuần, không phải hành vi bạo lực để nhận án phạt nguội.
Tuy nhiên, dường như, trước sức ép dư luận, ban kỷ luật bất ngờ "bẻ còi", phạt nguội Samson 2 trận với lý giải nguyên nhân chỉ trong... 1, 2 dòng.
Không có sự giải thích rõ ràng, nhất quán, chẳng thấy phân tích tại sao hành vi liều lĩnh của Samson đã chuyển thành hành vi phạm lỗi nghiêm trọng. Vậy thế nào là nghiêm trọng?
Có phải vì dư luận muốn nó là hành vi bạo lực, ban kỷ luật bỏ qua những nỗ lực phân tích trước đó của BTC giải để cho đó là pha phạm lỗi cần phải xử phạt luôn?
"Quyết định đã phủ nhận các kết luận trước đó cũng như văn bản mà BTC giải gửi cho VFF" - ông Cao Văn Chóng nhận định. "Các anh em gọi điện bày tỏ sự thất vọng nhưng tôi đã trấn an anh em, đôi khi chúng ta chấp nhận độ vênh nhất định giữa các phán quyết với nhau".
Án phạt dành cho Samson cũng là sự phủ quyết với nhận định của ban trọng tài VFF. Theo trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, ông vẫn bảo lưu quan điểm: Hành vi của Samson không phải hành vi bạo lực, tương đương với việc không có án phạt treo giò nào. Như vậy, hai thái cực, hai cách nhìn nhận khác xa nhau về một hành vi đã được hình thành một cách rõ nét ngay trong lòng VFF, VPF.
Mâu thuẫn là chuyện bình thường, bởi một sự việc cần được soi xét dưới cái nhìn đa chiều.
Kết luận đưa ra phải dựa trên bằng chứng, lập luận chặt chẽ và sự đồng thuận của các bên liên quan, thay vì tình cảnh "ông nói gà, bà nói vịt" và nhận phải sự bất phục hiện tại.
"Tinh thần cầu thị là tốt, nhưng phải cầu thị làm sao để tránh "đẽo cày giữa đường"" - nhận định của BLV Quang Huy đã tóm gọn bài học sâu sắc dành cho ban kỷ luật VFF. Cần phải có sự nhất quán trong cách làm việc, phát ngôn, vững vàng trong luận trường, quan điểm trên cơ sở lắng nghe từ nhiều phía.
Điều đó sẽ tốt hơn là 2 kết luận khác xa nhau "một trời một vực", tạo ra hố đen thăm thẳm trong lộ trình chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà.
Bình luận