Khai quật rồi… để đó
Năm 2011, di chỉ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) được các nhà khảo cổ học phát hiện, khai quật. Tiếp đến, vào các năm 2012, 2018, các nhà khảo cổ tổ chức khai quật mở rộng và phát hiện tại khu vực này có rất nhiều dấu vết, hiện vật có giá trị của nền văn hóa Chămpa.
Từ những dấu tích, hiện vật thu thập được, các nhà khảo cổ, chuyên gia văn hóa Chăm nhận định di tích Phong Lệ cùng thời với những công trình văn hóa Chăm tiêu biểu khác tại miền Trung như Chánh Lộ (Quảng Ngãi), Thánh địa Mỹ Sơn, Đồng Dương (Quảng Nam). Đây cũng là di tích nằm trong chuỗi di tích được Viện Viễn Đông Bác Cổ từng khám phá, khảo sát trước đây.
Dựa trên tổ hợp loại hình vật liệu xây dựng và các trang trí kiến trúc bằng đá, cát Champa, gốm men thời Tống, các chuyên gia khảo cổ đưa ra nhận định di tích này có niên đại (khởi dựng) vào khoảng đầu thế kỷ X và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII.
Trên cơ sở báo cáo, đánh giá của chuyên gia và ngành chức năng, cuối năm 2020, di tích Phong Lệ được công nhận di tích cấp thành. Nhằm bảo tồn, UBND TP Đà Nẵng đồng ý có chủ trương xây dựng khu vực di tích Chăm Phong Lệ thành không gian văn hóa, lịch sử với tên gọi Dự án “Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2”.
Vì vậy, tại Kỳ họp 11 (kỳ họp chuyên đề) ngày 24/3/2023, HĐND TP Đà Nẵng thông qua tờ trình của UBND thành phố về chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm (cơ sở 2) tại di tích Chăm Phong Lệ với nguồn vốn đầu tư hơn 140 tỷ đồng cho giai đoạn 1.
Cụ thể, Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 được phê duyệt với 3 khu vực gồm khu vực bảo tồn, lõi di tích có diện tích 2.653m2 (khu vực 1), khu vực bảo vệ di tích có diện tích 4.279m2 (khu vực 2) với các công trình bảo tồn như kiến trúc tháp, kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, miếu Bà, 2 ngôi mộ cổ, hạng mục tường bao bảo vệ, hệ thống cây xanh, không gian cảnh quan tạo vùng đệm bảo vệ di tích.
Riêng khu vực 3 là khu vực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật có diện tích 15.361m2, quy hoạch các hồ sen, khu vực cây xanh, cảnh quan tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách tham quan, thư giãn, giải trí.
Khu vực 3 còn có công trình Nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, không gian để trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể, các khu dịch vụ, giải khát, bán sản phẩm truyền thống.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai, những khu vực, hiện vật được khai quật từ năm 2011 dần xuống cấp vì phơi nắng phơi mưa.
Ghi nhận của PV VTC News, những ngày cuối tháng 12/2023, thời tiết Đà Nẵng nhiều mưa càng khiến toàn cảnh khu di tích trông u ám, hoang phế. Những khu vực đã khai quật, chỉ duy nhất điểm “Hố thiêng” của di tích được dựng tạm mái tôn che nắng mưa, những điểm còn lại hầu như bị cỏ dại, rong rêu che phủ.
Bao giờ có bảo tàng?
Ngày 14/12, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Đà Nẵng Khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), đại biểu đại biểu Đinh Vui cho biết, dự án được HĐND thành phố ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư đã gần 1 năm nhưng chưa có tiến triển gì.
“Đến nay dự án chưa chọn và quyết định được thời gian thi tuyển phương án kiến trúc và hàng loạt nhiệm vụ tiếp theo. Bảo tồn di tích nhưng không làm đồng bộ thì di tích xuống cấp, mai một”, ông Vui nói.
Theo ông Đoàn Xuân Hiếu, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, qua các đợt tiếp xúc, cử tri quan tâm việc di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ đã được khai quật từ nhiều năm nay nhưng đang chịu tác động tiêu cực của thời tiết trong thời gian dài.
“Lãnh đạo thành phố đã có chủ trương, HĐND đã ban hành nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 (giai đoạn 1) tại di chỉ này, nhưng so với kế hoạch triển khai thì dự án đang chậm tiến độ. Giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ dự án?”, ông Hiếu chất vấn.
Ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2020, UBND thành phố giao Sở VH-TT làm chủ đầu tư. Sở đã mời chuyên gia thiết kế phương án chi tiết và báo cáo chủ trương đầu tư sau khi lấy ý kiến các ngành.
Đến tháng 7/2021, UBND thành phố giao cho Ban Quản lý (BQL) dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư và điều hành dự án. Vì vậy, Sở VH-TT chỉ tham gia công tác chuyên môn mà không tham gia về tiến độ.
Ông Xử cho biết thêm, đến tháng 3/2023, nghị quyết HĐND thành phố đồng ý chủ trương đầu tư. Sau đó, BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp dự án lập phương án thi tuyển kiến trúc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc BQL dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết, sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, Ban đã tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc mà để làm việc này, đầu tiên phải phê duyệt nhiệm vụ, quy chế thi tuyển.
“Ban đầu, Ban tính thi tuyển phương án kiến trúc giống các công trình khác. Tuy nhiên, đối với dự án này ngoài việc thi thiết kiến trúc còn quy hoạch về cảnh quan, hạ tầng, quy hoạch chi tiết. Qua trao đổi, Sở Xây dựng cho biết đối với dự án này tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch đô thị”, ông Hinh nói.
Về tiến độ, ông Hinh cho biết, đến tháng 4/2024, Ban sẽ hoàn thành việc thi tuyển phương án quy hoạch đô thị, sau đó sẽ triển khai lập quy hoạch 1/500 và những việc khác liên quan. Dự kiến cuối tháng 12/2024 sẽ khởi công dự án.
Liên quan dự án, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, các đơn vị rất lúng túng trong triển khai. Đề xuất chủ trương đầu tư thì phải rõ phương án đầu tư và những việc tiếp theo sau khi có quyết định đầu tư.
“Có quyết định đầu tư xong không biết làm gì nữa, để 9 tháng sau mới biết phải thi thiết kế”, ông Triết nói và yêu cầu khẩn trương thực hiện dự án, không để di tích thành phế tích.
Bình luận