Video: Di tích lịch sử văn hoá Cột cờ Hà Nội vẫn bị vẽ bậy
Cột cờ Hà Nội hay còn gọi Kỳ đài Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội) được khởi công xây dựng từ năm 1805 đến năm 1812 dưới triều nhà Nguyễn. Nằm trọn trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đây là một trong số ít công trình kiến trúc còn nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng bởi bom đạn chiến tranh.
Tuy nhiên, nhiều du khách đến thăm Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Cột cờ Hà Nội cảm thấy bức xúc trước một số hình ảnh xung quanh khu vực này.
Phía Tây Cột cờ là vườn căn biệt thự cũ, trước đây được xây cao che chắn hết phần đế vững chãi, đẹp, bề thế mặt phía Tây của công trình.
Theo ghi nhận của PV VTC News ngày 22/11, công trình phụ của căn biệt thự cũ này hiện được phá dỡ phần mái, để lại nền gạch, nhiều bức tường, vách ngăn trơ trọi, tạo ra hình ảnh phản cảm, mất mĩ quan khuôn viên biệt thự cũng như Di tích lịch sử Cột cờ Hà Nội.
Khung cảnh bừa bộn, tan hoang khiến nhiều du khách bức xúc.
Được biết cách nay đã gần 20 năm, Hà Nội đã có kế hoạch thu hồi căn biệt thự và vườn sát đế phía Tây Cột cờ giao cho Ban quản lý di tích Hoàng Thành Thăng Long quản lý.
Rác thải bủa vây xung quanh khuôn viên biệt thự sát chân đế phía Tây Cột cờ Hà Nội tạo ra hình ảnh không đẹp mắt.
Trên các bức tường của Cột cờ Hà Nội vẫn xuất hiện rất nhiều những nét vẽ nham nhở do những du khách vô ý thức.
Ngoài ra, đế phía Đông Nam của Cột cờ đang được đơn vị chủ quản cho thuê kinh doanh cà phê giải khát. Phần quán dựng rất gần làm cản trở tầm nhìn bao quát Cột cờ, những chiếc ô đỏ che chắn hết phần đế Cột cờ phía hướng ra đường Điện Biên Phủ tạo ra hình ảnh lem nhem trong khuôn viên vốn cần trang trọng, thoáng đãng.
Tại phía chính diện với đế Nam cột cờ, tấm biển báo di tích khắc trên 4 tấm đá vôi trắng lâu ngày bị bào mòn. "Chúng tôi phải sờ tay di theo nét chữ như cách đọc chữ Brai mới xác định mấy chữ in là “Di tích lịch sử Cột cờ đã xếp hạng, cấm xâm phạm”, một du khách khi tham quan tại Cột cờ Hà Nội chia sẻ.
Trước thực trạng trên, không ít khách du lịch đã bày tỏ sự bức xúc. “Nhiều bạn trẻ chưa được ý thức cho lắm khi đã xâm phạm đến một di tích lâu đời như vậy. Những công trình như vậy cần được bảo vệ với ý thức cao của người dân. Tôi nghĩ cần thay tấm bia giới thiệu di tích, không nên để tấm bia đá trắng như vậy. Ngoài ra, biển tên giới thiệu ít nhất cần có thêm tiếng Anh để những du khách nước ngoài có thể hiểu về di tích lịch sử Cột cờ Hà Nội", một du khách nói.
Bình luận