• Zalo

Xót lòng những anhí cõng củi, apakhá đẻ ngồi

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 06/03/2012 05:55:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trời rét, đàn ông ở nhà uống rượu cho ấm, còn đàn bà thì vẫn vào rừng đốn củi, lên nương cuốc đất trồng cây, đi kiếm cái ăn cho cả nhà.

(VTC News) - Trời rét, đàn ông ở nhà uống rượu cho ấm, còn đàn bà thì vẫn vào rừng đốn củi, lên nương cuốc đất trồng cây, đi kiếm cái ăn cho cả nhà.


Trung tá Trường – Chính trị viên Đồn biên phòng Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) bảo rằng, phụ nữ Hà Nhì cả đời lầm lũi cõng củi, địu đồ trên lưng, cuốc đất trên nương, nên họ có dáng di còng còng, đầu luôn lao về phía trước. Họ tự tâm niệm thân phận làm vợ thấp kém, nên nói chuyện với người khác cũng chẳng dám ngẩng mặt lên.

Đang lang thang ngắm những vườn đào nở hoa đỏ rực, tôi thấy hiện ra trong mây mờ hình ảnh hai anhí (em gái) đang cặm cụi xới đất. Nương rộng mênh mông, núi cao dựng ngược, rừng rú hoang rậm và hai em gái nhỏ bé lầm lũi làm việc.

Hai em ngượng lắm, không dám nhìn mặt người lạ. Tôi gặng hỏi mãi mới tậm tịt nói nhát gừng vài câu.

Ly Xá Gờ và chị dâu Sào Thó Sơ đang làm nương. 

Em là Ly Xá Gờ, mới 14 tuổi. Em xinh xắn, nhưng nhỏ bé như cô bé lên 7 ở dưới xuôi. Gờ đã học đến lớp 8 rồi. Hỏi có muốn học tiếp không? Em bảo muốn học nữa lắm, nhưng chắc phải lấy chồng theo mong muốn của bố mẹ. Lấy chồng rồi, em sẽ là trụ cột gia đình như mẹ em, cả đời lầm lụi nuôi chồng, nuôi con.

Tôi hỏi cô gái cứ cắm mặt cuốc đất cùng Gờ, mãi rồi cô mới lý nhí lên tiếng. Em là Sào Thó Sơ, chị dâu của Gờ. Chồng Gờ chính là chàng trai Hà Nhì đầu tiên của Y Tý về Hà Nội học đại học ngành kinh tế.

Sơ lấy chồng năm ngoái, hồi em tròn 18 tuổi và chồng em đang học lớp 12. Chồng giỏi giang, đi học tận thủ đô, em vinh dự lắm. Dù phải làm trâu làm ngựa ở xứ này để nuôi chồng ăn học, em cũng cam nguyện.

Ly Xá Giờ bên đống củi do em lấy. 

Năm nay mới 14 tuổi, nhưng anhí Ly Xá Gờ đã có 7 năm vào rừng đốn củi, chuẩn bị hành trang để lấy chồng vào năm 18-19 tuổi theo tục lệ người Hà Nhì.

Em dẫn tôi về nhà. Ngôi nhà tường trình đất nằm chênh vênh bên vách núi, chỉ có một lối vào duy nhất, phải cúi người mới lách vào được. Quanh ngôi nhà 3 gian ấy xếp rặt là củi. Những thanh củi xếp đứng quanh nhà. Những đống củi chất ngất ở chái nhà, sau nhà, trước nhà. Trong nhà, gác trên mái cũng gác rặt là củi.

Hình ảnh anhí Ly Xá Gờ lọt thỏm bên những đống củi xếp đều chằn chặn thực sự ám ảnh.

Nhà nào có nhiều đống củi lớn, thì có nghĩa rằng nhà đó có con gái ngoan hiền, chịu khó, tảo tần, khỏe mạnh.

Những ông bố bà mẹ đi kén dâu cho con, cũng chỉ nhìn vào đống củi mà phán xét. Hàng xóm nhìn vào những đống củi to tướng, xếp đẹp, thì biết rằng nhà đó có con gái lớn, sắp lấy chồng.

 
Củi Gờ lấy xếp kín quanh nhà. 

Đống củi càng to, thì bố mẹ cô gái càng tự hào, và có quyền lựa chọn một chàng trai tốt làm rể, có quyền hét thách cưới cao. Đống củi càng to, thì các anhí càng có nhiều cơ hội lấy được một người chồng. Đống củi càng to, thì cuộc đời anhí càng lầm lũi kiếp ngựa trâu.

Các anhí phải đẵn thật nhiều củi chất trong nhà, để báo hiếu cha mẹ đẻ trước khi đi lấy chồng. Rồi về nhà chồng, các apakhá (chị gái) lại còng lưng cõng củi để phục vụ cả gia đình chồng.

Ly Xá Gờ lấy cho tôi xem phương tiện đốn củi của em. Chỉ có một chiếc rìu và một quẩy tấu. Chỉ có vậy thôi, mà những cây rừng lớn cũng phải đổ. Em cứ kiên trì như con con kiến thợ, bổ từng nhát mà đứt cây lớn. Rồi chỉ bằng cái nêm gỗ và đầu kia của chiếc rìu, từng thớ gỗ được bóc ra. Có lẽ, trên thế giới này, không có dân tộc nào đẵn gỗ, chẻ củi thiện nghệ như phụ nữ Hà Nhì.

Nhà nào có những đống củi to, xếp đẹp, thì nhà đó có con gái lớn, sắp lấy chồng. 

Trung tá Trường bảo, Y Tý quanh năm mây mù, lạnh giá. Mùa đông tuyết rơi dày nửa mét, nước suối cũng đóng băng, nên củi là thứ không thể thiếu được. Phụ nữ là trụ cột gia đình, nên việc đốn củi mặc nhiên là việc của phụ nữ.

Theo lời anh Trường, chúng tôi đứng cả tiếng ở trung tâm xã Y Tý, rồi phơi nắng trên đỉnh Nhìu Cồ San (đỉnh Nhìu Cồ San ở trên mây, hầu như lúc nào cũng có nắng, trong khi trung tâm xã Y Tý hầu như lúc nào cũng mây mù), song tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng người đàn ông nào ngoài đường. Chỉ thi thoảng xuất hiện những anhí, apakhá từ trong đám mây, với hình dạng lui cui buồn bã, với rặt là củi, cỏ, và đủ thứ bà rằn trên lưng, trên đầu.

 

Mấy năm trước, lên Y Tý, tôi tìm mãi mới gặp được Chủ tịch xã Ly Dờ Lúy, khi anh đang uống rượu ở nhà hàng xóm. Gặp tôi, anh bắt tay rất chặt: “Cán bộ vất vả quá, tìm lên tận Y Tý này cơ à. Ở đây rét lắm, trời lại toàn mây mù thế này thì ra ngoài làm gì, ở nhà uống rượu cho ấm. Nay ta uống nhà hàng xóm, mai hàng xóm lại uống ở nhà ta mà. Vui lắm!”.

Trời rét, đàn ông ở nhà uống rượu cho ấm, còn đàn bà thì vẫn vào rừng đốn củi, lên nương cuốc đất trồng cây, đi kiếm cái ăn cho cả nhà.

 

Tôi cũng ngồi với nhóm đàn ông Hà Nhì này uống rượu. Uống xong bữa trưa thì lại uống bữa tối. Bóng đêm khắp ngả, những người phụ nữ Hà Nhì mới lếch thếch về. Vừa về đến nhà, họ lại lăn vào bếp nấu nướng phục vụ chồng. Chồng, con trai và khách ngồi trên mâm cao, bên bếp lửa ấm cúng, còn vợ và những cô con gái xới cơm đầy bát, gắp mấy cọng rau, rồi lủi thủi ra ngoài hiên, hoặc chúi vào góc bếp ngồi ăn lặng lẽ.

Hôm anhí Ly Xá Gờ buông cuốc dẫn tôi về nhà, trong nhà có mỗi bố em là Ly Gờ Xa, đang ngồi thu lu bên nồi rượu sưởi ấm. Anh Xá 42 tuổi, có 4 người con. Cậu con cả lấy vợ năm ngoái và đang học ở Hà Nội. Cậu con trai thứ 2 đi chơi với bạn.

Vợ anh Xa, chị Phu Đo Bớ cùng cô con gái út, mới 12 tuổi đi lấy củi từ 4 giờ sáng, ở cánh rừng xa, đến đêm mới về. Cô con gái thứ 3 là Ly Xá Gờ và con dâu Sào Thó Sơ thì lên nương xới đất trồng sắn, trồng ngô.

Anh Bớ chỉ ở nhà nấu rượu để có rượu uống. 

Tôi hỏi anh Bớ, rằng công việc hàng ngày của anh là gì, anh Bớ nghĩ mãi không ra việc gì, anh bảo: “Trâu thì cứ thả cho nó chạy, nó tự kiếm ăn trong rừng thôi. Ta phải ở nhà nấu rượu mới có rượu mà uống chứ!”. Thực ra, đàn ông Y Tý ở đây có thêm công việc nữa, ấy là dựng nhà, trình đất. Nhưng việc ấy vài ba chục năm, thậm chí cả thế kỷ mới phải làm.

Trung tá Lã Ngọc Dũng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Y Tý cũng cám cảnh xót thương cho thân phận phụ nữ Hà Nhì. Theo anh, tất tật mọi việc lớn nhỏ đều đến tay họ. Từ bao đời nay vẫn vậy. Từ 3-4 giờ sáng họ đã thức dậy nấu nướng cho chồng con, cho lợn, cho gà ăn. Họ gói cơm vào lá và vừa đi vừa ăn. Họ làm việc trên nương, kiếm củi trong rừng đến tối mịt mới về.

 

Hồi Đồn biên phòng Y Tý xây dựng các công trình, cũng chỉ thuê được chị em phụ nữ làm nhân công. Chị em gùi gạch, đá, sắt, ximăng từ chân dốc lên đỉnh núi, vào tận rừng sâu để biên phòng đổ cột mốc. Những việc nặng nhọc ấy, chỉ phụ nữ mới làm được. Đàn ông chỉ ở nhà, uống rượu, nên yếu lắm, nhìn rớt mùng tơi.

Dù các chiến sĩ biên phòng, các ngành các cấp đã tuyên truyền nhiều, song phụ nữ Hà Nhì vẫn không bỏ được thói quen tự đẻ. Đến ngày đau đẻ, đàn ông cũng chả giúp được gì. Họ tự trải những tấm lá, hoặc cái mẹt rồi ngồi lên đó rặn.

Các apakhá buộc phải đẻ ngồi như vậy, thì rặn mới mạnh, mới có lực đẩy, đứa bé mới ra nhanh được và họ mới có thể tự đỡ được con. Đẻ con rồi, họ cũng tự phải cắt rốn, tự tắm táp, chăm sóc cho con và cho bản thân mình.

Trên hành tinh này, có ở đâu phụ nữ vất vả, lam lũ như những phụ nữ Hà Nhì này không? Có ở đâu phụ nữ chịu thương, chịu khó như những phụ nữ Hà Nhì này không? Không biết đến kiếp nào phụ nữ Hà Nhì mới ra được khỏi đám mây mù lưng trời Y Tý, mới thoát được kiếp trâu ngựa đàn bà? Thật khó tìm được câu trả lời, nhưng ngày 8-3, ngày của cả thế giới phụ nữ, tôi cứ đặt một câu hỏi như vậy.

Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn