• Zalo

Xót lòng hai người đàn bà điên nương tựa cửa Phật

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 03/09/2013 07:01:00 +07:00Google News

(VTC News) - Mỗi khi lên cơn, cô lại gào thét ầm ĩ, đập phá nhà cửa, gây náo loạn trong chùa.

(VTC News) - Mỗi khi lên cơn, cô lại gào thét ầm ĩ, đập phá nhà cửa, gây náo loạn trong chùa.


Kỳ 2: Chuyện hai nữ thanh niên xung phong nương nhờ cửa Phật

Chùa Bồng Lai (Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình) khá khang trang, được nhân dân trong xã đóng góp dựng lên trên nền ngôi chùa cổ đã hoang phế từ lâu. Khi tôi đến, sư thầy Thích Bảo Châu đang lục tục dắt xe máy ra ngoài.

Sư thầy bảo: “Nhà chùa đã đi tìm sư Dậu mấy ngày rồi mà vẫn chưa thấy đâu. Nhà chùa lo lắm, ăn ngủ không yên. Sợ rằng, sư Dậu có bề gì xảy ra thì nhà chùa không thể can tâm”.

Nguyên nhân sư cô Đoàn Thị Dậu bỏ đi cũng là vì một mâu thuẫn nhỏ. Mấy hôm trước, sư Dậu tự dưng dắt về chùa một người đàn bà điên, trên tay lại bế một đứa con vẫn còn đang bú mẹ.

Sư thầy Bảo Châu đã tận tâm chăm sóc cả sư Dậu lẫn người đàn bà điên đó cùng đứa con của cô ta. Tuy nhiên, mỗi khi cô gái đó lên cơn lại gào thét ầm ĩ, đập phá nhà cửa, gây náo loạn trong chùa.

Sư thầy Thích Bảo Châu đã chở chị ta về bệnh viện đa khoa tỉnh để nhờ bệnh viện chăm sóc, cứu chữa. Giữa lúc đó, sư Dậu cũng lên cơn lẩn thẩn và tưởng rằng nhà chùa không "chứa chấp" cô gái điên ấy nên tức giận lắm. Tờ mờ sớm hôm sau, sư Dậu rón rén dậy, gói ghém đồ đạc, tìm vào làng rồi bắt xe ôm đi đâu không rõ.

Theo sư thầy Thích Bảo Châu thì sư Dậu đã từng đi ở tới 7 ngôi chùa, song ở đâu cũng chỉ được một thời gian rồi lại lên cơn và lang thang đến những ngôi chùa khác xin trú ngụ. Thời tiết nóng nực, sư cô Đoàn Thị Dậu lại lên cơn nhiều hơn.

Chứng nhận thương tật của sư Dậu 
Sư thầy Bảo Châu vẫn coi trọng và thương sư Dậu, bởi sư là người đã mất mát rất nhiều, đã đổ rất nhiều máu xương trên con đường Trường Sơn huyền thoại.

Theo sư Châu, những lúc tỉnh táo, sư Dậu lại kể vanh vách chuyện về bom đạn, chiến tranh cho cả nhà chùa, cũng như những cháu nhỏ nương nhờ cửa phật nghe. Sư Dậu nhớ kỹ lắm, nhớ đến từng chi tiết.

Có một kỷ niệm mà sư Dậu thường xuyên kể cho mọi người nghe, ấy là một ngày vào buổi trưa chang chang nắng, nơi đường 9 Nam Lào, cả đơn vị chị Dậu đang phá núi làm đường thì bất ngờ một đoàn máy bay rít lên rồi vọt qua ngay trên đỉnh núi.

Chị ngẩng đầu lên, thấy bom rơi nhiều như hoa chuối của trời rụng xuống. Loạt bom đó đã giết chết mấy chục thanh niên xung phong. Những cái xác không còn hình hài văng tứ tung, lấp kín lên cả người chị.

Một mảnh bom đã găm vào đầu, máu chảy đầm đìa và chị lịm dần đi. Lúc tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong một bệnh viện dã chiến, nhưng rồi đột nhiên không còn nhớ gì nữa.

Sau này, nghe mọi người kể lại, chị bị tâm thần suốt một năm trời mới khỏi. Tuy nhiên, khỏi bệnh rồi chị lại tiếp tục vào Trường Sơn, sau đó sang Lào làm nhiệm vụ.

Hòa bình lập lại, lứa bạn đều được cử đi học hoặc nhận công tác ở những đơn vị khác. Chị là đảng viên nên gương mẫu theo sự điều động lên biên giới phía Bắc phục vụ xung đột biên giới.

6 năm phục vụ vùng biên, không thể nào kể hết những khó khăn, khốc liệt mà lứa thanh niên xung phong các chị gặp phải.

Trong trận đánh ở Phong Thổ, chị đã bị một mảnh bom găm vào chân và một mảnh găm vào cánh tay bên phải.

Hòa bình lập lại, trở về quê hương là xã Bình Thanh, Kiến Xương, nhưng tuổi xuân đã vèo qua. Thân hình tàn tạ, cha mẹ đã qua đời, anh em kiến giải nhất phận nên đành gửi thân nơi cửa Phật.

Hiện tại, sư Dậu mang trong mình không biết bao nhiêu bệnh tật, sư đã nhiễm đủ các loại thuốc độc của quân thù, cả chất độc dioxin, lại bị 3 mảnh bom găm vào người, đến nay vẫn chưa gắp ra được.

Tai biến do những vết thương và chất độc của quân thù còn lưu lại trong người gây ra khiến một tai sư điếc đặc, một mắt không nhìn thấy gì, hàm răng rụng gần nửa.

Hy sinh là vậy, mất mát là vậy, song suốt bao nhiêu năm sư Dậu không hề có chế độ gì, bởi vì, hồi bị thần kinh chị đã làm mất hết giấy tờ.

Lúc tu ở chùa Dư Hàng, chị xin hòa thượng Vũ Nguyễn Chất viết giấy giới thiệu để về đơn vị tìm lại giấy tờ, làm thủ tục chứng nhận thương, bệnh binh, nhưng hòa thượng bảo rằng: “Vào chùa rau cháo, cơm chay, đâu cần lương lậu làm gì”.

Nhưng không có lương, không có tiền mua thuốc, bệnh tật của sư Dậu mỗi ngày nặng thêm.

Hòa thượng Vũ Nguyên Chất viên tịch, sư Dậu lại phải lang thang đến chùa Đông Xá (huyện Đông Hưng).

Lúc đi lang thang, một đồng đội năm xưa nhận ra, thương quá cứ ôm sư Dậu khóc thun thút giữa đường.

Sau đó, đồng đội tập hợp nhau lại rồi lọ mọ đi tìm lại giấy tờ làm chế độ cho sư Dậu. Đến năm 2004, sư Dậu mới có được tấm thẻ chế độ bệnh tật và hưởng trợ cấp thương binh hạng 4/4.

Sư thầy Thích Bảo Châu đau đáu: “Nhà chùa thường ép sư Dậu lên chùa gõ mõ, tụng kinh để quên đi quá khứ. Nhưng những mất mát do chiến tranh nặng nề quá.

Mỗi khi thấy giọng sư méo mó là biết rằng sư lại sắp đau nhức toàn thân. Hôm nào đau quá thì lên cơn rồi bỏ đi lang thang.

Mỗi lúc đi lang thang, sư Dậu thường mang theo chiếc chăn, manh chiếu, chiếc quạt, nồi cơm điện và chiếc hòm tôn mà đồng đội sắm cho. Đã ngót 30 năm nương nhờ cửa Phật, nhưng cứ lẩn thẩn thế này thì không biết đến bao giờ mới thụ giới được?”.

Không biết rồi mai này sư cô Đoàn Thị Dậu, người nữ thanh niên xung phong, dường như lúc nào cũng như sống giữa chiến tranh sẽ tu ở chùa nào. Với sư Dậu, để tìm thấy hai chữ bình yên nơi cửa Phật cũng là một việc vô cùng khó khăn.

Tôi tìm đến ngôi chùa Đông Hồ (xã Thụy Phong, Thái Thụy), cũng không tìm thấy sư cô Trần Thị T. đâu cả. Một bà sãi thấy tôi hỏi về sư T. liền nhanh nhảu: “Khổ lắm! Suốt ngày lên cơn điên điên, khùng khùng rồi lại bỏ chùa đi lang thang. Nắng nôi thế này…”.
Chùa Đông Hồ nơi sư T. tu hành 
Trần Thị T. sinh ra ở vùng đất biển mặn, cát trắng Tiền Hải. Tuổi thơ của T. chao chát với đồng muối, ruộng phèn, vậy mà T. cứ đẹp, một vẻ đẹp mặn mà.

17 tuổi, T. trốn gia đình, cùng các anh, các chị nơi quê nhà xung phong vào tuyến lửa miền Trung. Vốn tính thông minh nên được đơn vị cử đi học rồi trở thành chiến sĩ thông tin.

Dù nắng lửa, gió Lào, dù rừng thiêng nước độc, T. vẫn đẹp lạ thường, cô được đơn vị gọi là tiên nữ của núi rừng Trường Sơn.

Mối tình của T. với người chiến sĩ thông tin cùng đơn vị, quê ở Diêm Điền đẹp đến nỗi đã có không ít văn nghệ sĩ lấy chất liệu làm thơ, viết truyện, thậm chí viết cả kịch bản dựng phim.

Mặc cho bom rơi đạn lạc, hai người lúc nào cũng cõng trên lưng chiếc máy điện đàm rồi lang thang trên đỉnh núi dò sóng để nhận mật báo của cách mạng.

Giữa bom đạn khốc liệt, bên con suối có tên Rụng Tóc (vì phụ nữ gội đầu ở suối này thường bị rụng tóc), đơn vị tổ chức lễ cưới cho hai người.

Tuy nhiên, đứa con vừa mới sinh được vài tháng thì T. bị trúng bom. Một mảnh bom găm vào đầu khiến chị phải nằm viện suốt một năm trời.

Hòa bình lập lại, hai người tiếp tục công tác trong quân đội một thời gian nữa rồi nghỉ mất sức và về quê sinh sống.

Thế nhưng, chiến tranh dường như vẫn chưa dứt trong lòng cô chiến sĩ thông tin Trần Thị T. Mỗi khi trái gió trở giời, đầu đau như có ai thò tay vào mà rứt các dây thần kinh.

Không chịu được cảnh vợ bệnh tật, lại hay gắt gỏng, nóng tính, anh chồng bỏ đi biệt xứ. Từ hai chục năm nay, không thấy anh ta quay lại.

Ám ảnh chiến tranh chưa dứt, cú sốc mất chồng lại làm dầy lên nỗi đau trong ký ức của T., điều đó đã khiến chị nhiều lúc trở nên không còn bình thường rồi bỏ đi lang thang.

Đứa con duy nhất được ông bà nội gửi cho một người thân ở mãi trong Nam nuôi dưỡng, rồi cậu ta lấy vợ, sinh con ở luôn trong đó.

Một ngày, khi lang thang xin ăn ở khu vực phường Trần Lãm, thị xã Thái Bình, chị đã gặp sư thầy Đàm Phương, người từng là đồng đội năm xưa.

Sư Đàm Phương đã đưa về chùa Cau Đẻ nuôi dưỡng. Nhưng rồi, cả hai người đều ốm yếu, bệnh tật, không chăm sóc cho nhau được, nên sư Đàm Phương gửi chị đến chùa Đậu.

Ở đây, thỉnh thoảng chị T. lại lên cơn. Đồng đội là bộ đội, thanh niên xung phong trụ trì ở các chùa trong tỉnh thấy cảnh chị mà thương xót nên thay nhau nhận chị về nuôi dưỡng, tìm biện pháp giúp chị giải tỏa tinh thần.

Được sống trong cảnh thanh tịnh nơi cửa Phật, trong tình đồng chí, đồng đội, chị T. trở nên tỉnh táo hơn.

Thế rồi một ngày cách đây hơn chục năm, chị quyết định xuống tóc và vào tu ở chùa Đông Hồ.

Bà Sãi chùa Đông Hồ nói vẻ luyến tiếc: “Đã có tuổi, bệnh tật đầy người, có lúc điên khùng, nhưng cái T. vẫn đẹp lắm. Mái tóc đen như gỗ mun, dài đến tận đầu gối, da trắng nõn, giọng nói thanh trong như ngọc. Xuống tóc đi tu rồi, đầu nó trơ ra như quả dừa, toàn sẹo chằng chịt”.

Từ khi thành người nhà chùa, sư T. cứ ngồi gõ mõ, tụng kinh từ sáng đến đêm. Tâm hồn lúc nào cũng hướng Phật thì mới mong tìm được thanh thản, còn nghĩ về quá khứ, nghĩ đến gia đình thì cơn đau đầu lại xiên lên hai mắt, làm hai mắt đờ đẫn rồi không nhìn thấy gì nữa.

Còn tiếp…
Thủy Bình
Bình luận
vtcnews.vn