Theo BS Quách Duy Cường, khoa Virus - Kí sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, xông hơi không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay chữa khỏi COVID-19. Biện pháp này cũng chỉ tác động bên ngoài niêm mạc chứ không ảnh hưởng tới virus bên trong tế bào.
“Xông mũi họng không có hại, nhưng cần làm đúng cách. Người bệnh phải hiểu việc đó hoàn toàn không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay chữa khỏi bệnh COVID-19. Mục đích của phương pháp này là làm loãng chất tiết dịch, làm mềm vảy mũi, cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bị khô, dẫn lưu các chất dịch ứ đọng vùng mũi được tốt hơn. Từ đó, xông hơi giúp bảo vệ lớp niêm mạc mũi họng, cải thiện các triệu chứng ngạt mũi, giảm xung huyết niêm mạc mũi, giúp người bệnh cảm giác thư giãn, thoải mái hơn”, BS Cường nói.
Chung quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM cũng khẳng định, xông hơi không thể chữa khỏi bệnh COVID-19 như nhiều người vẫn lầm tưởng.
“Xông hơi là biện pháp giống như cha ông ngày xưa hay sử dụng để giải cảm, làm ấm, sạch đường hô hấp để giải cảm chứ không thể chữa khỏi COVID-19”, BS Khanh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, xông hơi là biện pháp giúp cho đường hô hấp dễ chịu hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng áp dụng được phương pháp này. Những người bị bệnh đang sốt cao hoặc trẻ nhỏ dưới 30 tháng tuổi, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật, dị ứng với tinh dầu tuyệt đối không được xông hơi.
Ngoài ra, khi xông hơi cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Quá trình xông, người dân chỉ nên thực hiện ở nơi kín gió, chỉ xông mỗi ngày 1 lần và mỗi lần không quá 20 phút.
Bình luận