Theo quyết định được Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đưa ra trong sáng 15/12 (theo giờ Paris), hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra, bao gồm: Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa tại Điều 2 của Công ước 2003; Việc ghi danh sẽ góp phần đảm bảo tính phổ biến của Xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; Các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản; Xòe Thái đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan; Xòe Thái đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của Quốc gia thành viên đề cử di sản, như được quy định tại Điều 11 và 12 của Công ước 2003.
Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhận định, việc ghi danh hồ sơ Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại lần này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị văn hóa của Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ văn hóa phi vật thể của thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho các mục tiêu phát triển bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.
Đây là thành quả của sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của cộng đồng, chính quyền các địa phương có di sản với sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia về di sản, sự chỉ đạo tích cực và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và vai trò điều phối của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh tổ chức UNESCO trong việc đề xuất, lựa chọn ý tưởng, hoàn thiện và vận động hồ sơ.
Đây cũng là lần thứ 5 của Việt Nam được UNESCO ghi danh trong năm nay. Trước đó, 2 hồ sơ Núi Chúa và Kon Hà Nừng được ghi danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và 2 danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương cũng được UNESCO vinh danh. Điều này không chỉ thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc của Việt Nam mà còn thiết thực đóng góp vào nỗ lực của UNESCO trong bảo tồn di sản, các giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm.
Ngoài ra, trong tháng 11/2021, Việt Nam cũng đã được bầu vào Hội đồng chấp hành, một trong hai cơ quan quyền lực nhất của UNESCO, cho nhiệm kỳ 2021-2025.
Bình luận