Xóa bỏ hàng rào - quyết tâm 'làm sống lại công viên' của Chủ tịch Hà Nội

Ý kiếnThứ Ba, 18/10/2022 11:20:00 +07:00
(VTC News) -

Để ‘làm sống lại các công viên ở Hà Nội” như quyết tâm của lãnh đạo thành phố, cần áp dụng cách xóa bỏ hàng rào và không thu phí, không chỉ với công viên Thống Nhất.

Hồi đầu năm, người Hà Nội phấn khởi khi biết thông tin về kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa ở thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, công viên Thống Nhất sẽ được nghiên cứu theo hướng mở với việc dỡ bỏ hàng rào, không thu vé vào cửa. Công viên này còn được "mở" cả về cơ chế quản lý và nâng cấp để hình thành không gian đi bộ dọc phố Trần Nhân Tông, nâng tầm giá trị không gian cảnh quan khu vực trung tâm Hà Nội.

Quyết tâm này một lần nữa được Chủ tịch Trần Sỹ Thanh khẳng định tại phiên họp của Thường trực HĐND thành phố: "Năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Hà Nội". Ông Thanh cho biết, thành phố sẽ tìm mô hình đầu tư để công viên không còn hàng rào, không bán vé và người dân được thụ hưởng.

Có lẽ, đây là một trong những thay đổi mà người dân Thủ đô mong đợi nhất suốt nhiều năm qua. Hà Nội mỗi ngày một phát triển, người dân giàu có, sung túc hơn, nhưng vẫn nghèo về không gian công cộng, nơi có thể thư giãn, vui chơi giải trí như vườn hoa, công viên. Hơn 8,5 triệu người dân đang phải chia nhau sử dụng khoảng 63 công viên, vườn hoa lớn nhỏ, nghĩa là hơn 130.000 người mới có một công viên hay vườn hoa.

Xóa bỏ hàng rào - quyết tâm 'làm sống lại công viên' của Chủ tịch Hà Nội - 1

Công viên Thống Nhất 

Nhưng oái oăm là công viên tuy thiếu mà… vẫn thừa. Công viên lớn như Thống Nhất nằm giữa lòng Thủ đô nhưng ngày thường vắng vẻ, phần lớn khách là người dân quanh đó vào tập thể dục. Trong khi dễ tiếp cận là tiêu chí quan trọng của không gian công cộng, chúng ta chưa thể nói như vậy về công viên này.

Rào chắn khắp nơi, sự xuống cấp và kém hấp dẫn của các hạng mục, sự bất bình đẳng về thụ hưởng kiểu “thu phí quần dài, miễn phí quần đùi” hay nỗi lo ngại về tệ nạn xã hội… khiến người dân dù rất muốn vẫn ngại tới. Thật là sự lãng phí vô cùng lớn khi các công viên là tài sản của người dân, được lập ra cho dân nhưng số người hưởng lợi từ nó lại quá ít ỏi.

Xây dựng các công viên theo hướng mở - dỡ bỏ hàng rào, không thu phí - chính là sự mở cửa về tư duy, giúp không gian công cộng này trở nên thân thiện và dễ tiếp cận với tất cả mọi người, như cách mà thế giới đã làm và TP.HCM cũng làm rất tốt.

Đừng sợ xóa hàng rào thì khó quản lý, bởi không gian mở cũng làm tăng sự thông thoáng, minh bạch. Với sự hỗ trợ của công nghệ và các giải pháp thông minh khác, chắc chắn không gian này sẽ trở nên hữu ích và lành mạnh hơn bao giờ hết.

Miễn phí vào cửa cũng là sự đập bỏ tư duy cũ của mấy chục năm trước, là bỏ nguồn lợi nhỏ nhưng thu về rất lớn. Đổi phương thức quản lý, các công viên sẽ tạo ra nguồn thu từ những dịch vụ gián tiếp như cửa hàng tiện ích, quầy bán đồ lưu niệm, khu vui chơi, quầy giải khát… thay cho số tiền bán vé rất ít ỏi hiện nay. Bên cạnh đó là lợi ích không thể đo đếm về tinh thần, về giá trị cảnh quan…

Cái mốc năm 2023 mà Chủ tịch Hà Nội đặt ra cho thấy việc làm sống lại các công viên trên địa bàn đang được gấp rút thúc đẩy, cũng là lời hứa của lãnh đạo thành phố với người dân.

Điều người Hà Nội thực sự mong đợi là việc dỡ bỏ hàng rào, miễn phí vào cửa sẽ được áp dụng rộng rãi chứ không chỉ với công viên Thống Nhất, trừ những nơi thực sự cần có rào vây như Bách Thảo, Thủ Lệ.

Từ bỏ việc bó buộc, cô lập không gian công cộng, các công viên Hà Nội mới thực sự hồi sinh và trở nên đầy sức sống.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Trần Hồng
Bình luận
vtcnews.vn