Giống như các nhà sản xuất khác, Xiaomi có danh sách các quốc gia và khu vực mà họ cấm xuất khẩu sản phẩm của mình, bao gồm Cuba, Nam Sudan, Syria, Crimea, Iran và Triều Tiên.
Tất cả các quốc gia được liệt kê đều có vấn đề về quan hệ quốc tế, tranh chấp lãnh thổ, nhân quyền hoặc chủ nghĩa khủng bố. Đó là lý do mà nhiều quốc gia đồng minh với Mỹ đã cấm các công ty sử dụng công nghệ phương Tây để xuất khẩu sản phẩm của họ sang những khu vực tranh cãi này.
Tuy nhiên, ngay cả khi Xiaomi không xuất khẩu sản phẩm của mình sang các khu vực này, các đại lý bên thứ ba vẫn thường làm điều đó. Đây có lẽ là lý do tại sao Xiaomi quyết định thực hiện các biện pháp tiếp theo. Nếu người dùng đang ở một trong những lãnh thổ bị cấm và kích hoạt thiết bị Xiaomi, trong vài ngày tới thiết bị đó sẽ bị nhà sản xuất khóa.
“Chính sách của Xiaomi không cho phép bán hoặc cung cấp sản phẩm cho lãnh thổ mà bạn đã cố gắng kích hoạt nó. Vui lòng liên hệ trực tiếp với các nhà bán lẻ để biết thêm thông tin”, nội dung văn bản Xiaomi hiển thị khi nó khóa một thiết bị.
Báo cáo cho biết Xiaomi chỉ khóa các thiết bị mới được kích hoạt. Điều này có nghĩa là về mặt lý thuyết, người dùng có thể kích hoạt thiết bị trước khi vào vùng cấm và vẫn sử dụng được ở đó nhằm tránh bị Xiaomi khóa. Vấn đề là các điều khoản và điều kiện của Xiaomi không đề cập bất cứ điều gì về việc khóa một thiết bị vì lý do này.
Các nhà sản xuất khác trong tương lai có thể thực hiện theo cách của Xiaomi và bắt đầu khóa các thiết bị mới được kích hoạt ở những khu vực cấm trên thế giới. Nếu vậy trong một thời gian nữa, việc sử dụng một thiết bị nhập khẩu bất hợp pháp trong các khu vực bị cấm sẽ trở nên gần như không thể.
Đã có lịch sử các nhà sản xuất bị xử phạt vì xuất khẩu công nghệ phương Tây sang các quốc gia bị cấm, chẳng hạn như ZTE. Công ty đã bị chính phủ Mỹ trừng phạt vì xuất khẩu các sản phẩm sử dụng công nghệ của Mỹ vào các quốc gia bị cấm. Sau đó, để tiếp tục sử dụng công nghệ của Mỹ, ZTE đã ngừng xuất khẩu sang những nơi bị cấm như vậy.
Bình luận