Chiều 8/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ.
Sau khi nghe đại diện VKS công bố bản cáo trạng truy tố 12 bị cáo, HĐXX tuyên bố phiên tòa bước vào phần xét hỏi. Trước khi bắt đầu, HĐXX yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp cách ly bị cáo Đinh La Thăng.
Người đầu tiên được thẩm vấn là Lê Thành Thái, cựu Trưởng phòng kinh doanh Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), thành viên tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu.
Là người đầu tiên đứng lên trả lời thẩm vấn, bị cáo Lê Thành Thái trả lời HĐXX về quá trình thẩm định hồ sơ yêu cầu đối với gói thầu TK05.
Theo bị cáo Thái, thời điểm mở thầu, bản thân nghĩ rằng PVC chỉ phụ trách các công trình phụ trợ (ví dụ cấp thoát nước), còn phần chính là công ty nước ngoài phụ trách nên không nghĩ là liên danh này lại không đủ năng lực.
Sau đó, đến năm 2013 (thời điểm dự án dừng thi công), bị cáo Thái mới biết liên danh không đủ năng lực. Bởi trước đó, các nhà thầu nước ngoài này từng thực hiện một dự án tương tự.
Nói về việc chỉ định thầu, Lê Thành Thái khai được Tổng giám đốc PVB khi ấy định hướng phải chỉ định thầu cho liên danh của PVC, việc đó là “không thể thay đổi được” và phải hoàn thành sớm.
Bị cáo cho biết thêm, việc thẩm định hồ sơ yêu cầu liên danh nhà thầu phải từng hoàn thành dự án 100 triệu lít/năm. Tuy nhiên, do có chỉ đạo từ PVN nên không thể đặt vấn đề liên danh không đủ năng lực do chưa thực hiện dự án nào 100 triệu lít/năm. Bởi như vậy là chống lại chủ trương của tập đoàn cũng như ban chỉ đạo nhiên liệu sinh học.
Khi tiếp tục bị HĐXX truy vấn về việc đã bỏ ra ngoài tiêu chí trên khi thẩm định năng lực liên danh của PVC, bị cáo nói: "Nếu quá trình thẩm định mà tôi nêu bổ sung yêu cầu đó vào thì đồng nghĩa tôi nghỉ việc luôn".
Đồng thời, bị cáo Lê Thành Thái thừa nhận không đưa tiêu chí đó vào vì đã được chỉ đạo thẩm định để liên danh của PVC đạt yêu cầu.
Theo cáo trạng, năm 2007, ông Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy sản xuất Ethanol khu vực phía Bắc. Cuối năm 2007, Công ty CP Hoá dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) được thành lập để làm chủ đầu tư dự án, vốn điều lệ ban đầu hơn 405 tỷ đồng.
Tháng 9/2008, PVB mời sơ tuyển gói thầu TK05 "Chìa khoá trao tay" xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ. Trong 6 nhà thầu gửi hồ sơ có Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T, do Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thành lập, do PVC không đáp ứng đủ yêu cầu.
CECO sau đó đánh giá cả 6 nhà thầu chưa đạt 100% tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm. Trong đó, liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T chưa đạt các tiêu chí về năng lực kỹ thuật, tư vấn thiết kế, xây dựng; báo cáo tài chính năm 2006 thể hiện PVC đang thua lỗ.
Thực hiện chỉ đạo của ông Thăng về việc chỉ định thầu, PVB không tổ chức đấu giá theo kế hoạch mà chuyển sang chỉ định thầu cho liên danh của PVC. Quá trình thực hiện hợp đồng không đúng tiến độ, PVC có báo cáo thừa nhận không đủ năng lực. Tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào hoàn thành.
Thực hiện dự án, PVB vay ngân hàng và Công ty tài chính Dầu khí Việt Nam hơn 750 tỷ đồng. Từ ngày triển khai dự án (tháng 9/2009) đến khi khởi tố vụ án (tháng 6/2018), PVB đã thanh toán cho PVC hơn 600 tỷ đồng, Alfa Laval hơn 230 tỷ đồng. Chủ đầu tư sử dụng hơn 1.400 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về ethanol và tình hình tài chính đang khó khăn, ông Thăng với vai trò Chủ tịch PVN, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án, đã chủ trì nhiều cuộc họp, quyết liệt định hướng giao thầu cho PVC như đề nghị của Trịnh Xuân Thanh.
Trịnh Xuân Thanh biết rõ liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực thực hiện gói thầu nhưng vẫn nhận chỉ đạo từ lãnh đạo PVN để ký văn bản xin được chỉ định thầu. Cựu chủ tịch PVC này còn chủ trì cuộc họp HĐQT và ban Tổng giám đốc PVC đồng ý thực hiện gói thầu; ký công văn gửi ông Thăng xin cam kết thực hiện gói thầu.
Hành vi làm trái các quy định của Thăng, Thanh và các bị can dẫn đến thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, ông Thăng thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác.
Ngoài sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ, bị can Thanh còn bị cáo buộc thành lập Công ty PVC Kinh Bắc cùng bị can Đỗ Văn Hồng từ năm 2009. Ông Thanh sau đó bàn với Hồng về việc mua 3.400 m2 đất tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc của Công ty Metrimex bằng tiền tạm ứng cho thực hiện dự án của PVC.
Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng trái quy định 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, để hợp thức việc cho vay tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, bị can Thanh và Hồng đã làm các thủ tục chuyển 21 tỷ đồng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc. Điều này trái quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.
Vụ án này có 12 bị cáo, trong đó bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng Giám đốc PVB), Trần Thị Bình (nguyên Phó tổng Giám đốc PVN), Phạm Xuân Diệu (nguyên Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Ngọc Dũng (nguyên Phó tổng Giám đốc PVC), Đỗ Văn Quang (nguyên Trưởng ban Kinh tế PVC), Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Phó phòng Đầu tư PVB), Khương Anh Tuấn (nguyên Phó phòng Thương mại PVB), Lê Thành Thái (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh PVB), Hoàng Đình Tâm (nguyên Kế toán trưởng PVB).
Những người này bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch PVC) bị truy tố về cả 2 tội danh trên.
Bình luận