• Zalo

Xét xử vụ án 'Đòi nhà cho thuê' ở Hà Nội

Pháp luậtThứ Năm, 21/11/2019 08:00:00 +07:00Google News

Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ra Bản án dân sự liên quan đến vụ việc “Đòi nhà cho thuê” đối với ngôi nhà ở 29 Lê Ngọc Hân.

Mới đây, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) ra Bản án dân sự số 15/2019/DS-ST ngày 30, 31/5/2019 liên quan đến vụ việc “Đòi nhà cho thuê” đối với ngôi nhà tại 29 Lê Ngọc Hân (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Theo nội dung bản án, trong các ngày 30 và 31/5/2019, TAND quận Hai Bà Trưng xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự “Đòi nhà cho thuê” gồm 3 nguyên đơn là ông Nguyễn Huy Chấn (SN 1954), Nguyễn Huy Cương (SN 1955) và ông Nguyễn Quang Hiệp (SN 1958) cùng trú tại số 15 (phố Lãn Ông, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Bị đơn gồm 6 người là ông Nguyễn Viết Huỳnh (SN 1947), ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1960), bà Nguyễn Thị Anh Thơ (SN 1961), cụ Nguyễn Thị Thúy Loan (SN 1925), ông Lê Quân (SN 1960) và bà Nguyễn Thị Thế (SN 1952). Cùng 1 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thanh Trâm (SN 1972).

Tại Bản án, Hội đồng xét xử TAND quận Hai Bà Trưng đã chấp nhận yêu cầu "Đòi nhà cho thuê” của các ông Nguyễn Huy Cường, Nguyễn Huy Chấn và Nguyên Quang Hiệp (các con của ông Nguyên Văn Ngọc), và buộc các hộ gia đình các bị đơn đang ở tại 29 Lê Ngọc Hân suốt từ 1955 đến nay phải trả lại nhà.

76619240_443057136399523_2982316404331511808_n

Bản án dân sự số 15/2019/DS-ST ngày 30, 31/5/2019 liên quan đến vụ việc “Đòi nhà cho thuê” đối với ngôi nhà tại 29 Lê Ngọc Hân (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). 

Sau đó các bị đơn có đơn cứu xét cho rằng, ngôi nhà số 29 Lê Ngọc Hân (trước là phố Lữ Gia) là nhà gạch 2 tầng với diện tích xây dựng 170,8 m2 xây theo kiểu biệt thự Pháp có nguồn gốc của ông Nguyễn Văn Ngọc và bà Trần Kim Đĩnh (là bố mẹ đẻ các nguyên đơn).

Ngày 1/1/1955, gia đình bà Lê Thị Thọ là giáo viên trường tiểu học Lê Ngọc Hân dọn về đây ở và đã ký với ông Nguyễn Văn Ngọc một hợp đồng thuê thời hạn 1 năm với giá thuê là 4 vạn đồng ngân hàng cũ/ 1 tháng.

Sau đó, bà giáo Thọ và ông Ngọc không ký thêm hợp đồng thuê mới hay gia hạn nào và ông Ngọc thông tin cho bà Thọ rằng ông là người quản lý hộ ngôi nhà này cho một vị bác sỹ đã di cư vào Nam.

Vào tháng 2/1955, bà giáo Thọ cho gia đình ông Lê Phú An (em trai bà Thọ) và vợ là bà Nguyễn Thúy Loan (đều là cán bộ tham gia kháng chiên chống Pháp về tiếp quản Thủ đô) dọn đến ở chung tại tầng 1 của ngôi nhà 29 Lê Ngọc Hân.

Bà giáo Thọ cũng cho bạn là bà Vũ Thị Tuyết và chồng là ông Trần Văn Tấn, (cũng là những người tham gia kháng chiến chống Pháp về tiếp quản Thủ đô) dọn đến ở trên tầng 2 của ngôi nhà.

Những người sinh sống sau này tại 29 Lê Ngọc Hân đều là con cháu của bà giáo Thọ và bà Tuyết, không có ai ngoài bà giáo Thọ có giao dịch thuê nhà với ông Ngọc, họ không biết đây là căn nhà đi thuê mà nghĩ đây là nhà vắng chủ.

Vào những năm 1970, 1980, khi các con cháu của bà giáo Thọ, ông An, ông Tấn trưởng thành và xây dựng gia đình, một số chuyển đi chỗ khác theo vợ hoặc chồng, một số phải xây dựng thêm những căn nhà tạm trên nền đất trống của số nhà 29 Lê Ngọc Hân, sau đó tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện thành chỗ ở cho mình.

Từ năm 1991, khi nhà nước điều tra nhà đất, các gia đình đều kê khai và đóng thuế sử dụng nhà đất đầy đủ. Riêng gia đình ông Tấn được hưởng chính sách với lão thành cách mạng, được miễn thuế sử dụng nhà đất.

Trong suốt thời gian từ năm 1955 và khi diễn ra các sự kiện trên, ông Ngọc không hề xuất hiện và không có ý kiến nào, mặc dù ông Ngọc và gia đình cư trú ngay tại số 15 phố Lãn Ông (Hà Nội). Bởi vậy, mọi người đều khẳng định ngôi nhà 29 Lê Ngọc Hân là nhà vắng chủ, thuộc nhà nước quản lý. Bà giáo Thọ mất năm 1997, ông Tấn mất năm 2002 tại số 29 Lê Ngọc Hân.

Vào tháng 10/2000, TAND quận Hai Bà Trưng thông báo triệu tập các gia đình đang sinh sống tại 29 Lê Ngọc Hân ra tòa với tư cách bị đơn trong vụ kiện đòi nhà.

“Thời điểm đó, khi ra tòa chúng tôi mới được biết về Bằng khoán điền thổ lập dưới thời Pháp thuộc của số nhà 29 Lê Ngọc Hân, ông Nguyễn Văn Ngọc mua ngôi nhà này và đăng ký vào thời điểm 17/8/1954 với giá 80.000 đồng Đông dương mà trước đó, ngôi nhà thuộc về ông Nguyễn Huy Ngọc, mua đấu giá vào tháng 7/1953 với giá 240.000 đồng Đông dương – đại diện bị đơn cho hay.

Được biết, năm 1960, nhà nước thực hiện chính sách quản lý đối với nhà tư nhân tại các thành phố, thị xã ở miền Bắc. Điều 2 Nghị định 19/CP ngày 29/6/1960 quy định: “Nhà nước trực tiếp quản lý toàn bộ nhà cho thuê ở các thành phố, thị xã của các chủ nhà có một diện tích nhà gạch cho thuê từ khoảng 150m2 trở lên hoặc thu được trong một năm số tiền từ 1.000 đồng trở lên.”

Cùng với đó, Nghị định số 24/CP ngày 13/2/1961 của Hội đồng Chính phủ đã bổ sung quy định: “Nhà nước trực tiếp quản lý toàn bộ nhà cho thuê của các đối tượng ở các thành phố, thị xã".

Như vậy, ngôi nhà biệt thự 29 Lê Ngọc Hân, với diện tích xây dựng 170,8 m2 trên tổng diện tích đất 317 m2, tiền cho thuê 40.000 đồng ngân hàng cũ/ tháng mà ông Ngọc cho bà giáo Thọ thuê, là thuộc diện phải kê khai và nhà nước trực tiếp quản lý.

Tuy nhiên, ông Ngọc và gia đình (các con trai ông Ngọc) không kê khai gì về ngôi nhà 29 Lê Ngọc Hân với các cơ quan chính quyền suốt từ năm 1955 đến tận năm 2000 (khi khởi kiện các hộ đang sinh sống tại đây ra tòa).

Trong ngày 5 và 6/3/2002, TAND quận Hai Bà Trưng xét xử và ra bản án số 09/DSST; ngày 21/11/2005 TAND TP Hà Nội ra bản án phúc thẩm số 244/2005/DSPT đều chấp nhận yêu cầu đòi nhà cho thuê của các đồng nguyên đơn là các con trai ông Nguyễn Văn Ngọc (ông Ngọc đã chết năm 1997), buộc các gia đình đang sinh sống tại 29 Lê Ngọc Hân phải trả lại nhà và rời đi vô điều kiện.

“Chúng tôi đã tiếp tục kháng cáo, gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan của Tòa án, Viện kiểm sát, Ủy ban Dân nguyện Quốc Hội, UBND TP Hà Nội...” – đại diện bị đơn cho biết.

Đến ngày 10/9/2009, Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 419/2009/DS-GĐT tuyên hủy bản án dân sự phúc thẩm số 244/2005/DSPT ngày 21/11/2005 của TAND TP Hà Nội và hủy bản án dân sự sơ thẩm số 09/DSST ngày 06/3/2002 của TAND quận Hai Bà Trưng về vụ án đòi nhà cho thuê. Đồng thời giao TAND quận Hai Bà Trưng xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Quyết định giám đốc thẩm có nêu ý kiến của Hội đồng thẩm phán như sau:

“Năm 1960 Nhà nước ta thực hiện chính sách đối với việc cho thuê nhà của tư nhân tại thành phố, thị xã ở các tỉnh miền Bắc (Nghị định số 19-CP ngày 29/6/1960 của Hội đồng Chính phủ và Nghị định số 24-CP ngày 13/02/1961 bổ sung của Hội đồng Chính phủ về chính sách quản lý thông nhất nhà cho thuê ở cá thành phố và thị xã).

Đối chiếu với các quy định tại các Nghị định này thì căn nhà 29 Lê Ngọc Hân (nhà gạch 2 tầng, diện tích 170,8 m2 trên diện tích đất 317m2) mà cụ Ngọc cho cụ Thọ thuê năm 1955 là thuộc diện cải tạo, do nhà nước trực tiếp quản lý.

Trong hồ sơ vụ án, không có tài liệu nào thể hiện là vợ chồng cụ Ngọc, cụ Đĩnh đã kê khai đăng ký căn nhà 29 Lê Ngọc Hân khi nhà nước cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà cho thuê (nếu vợ chồng cụ Ngọc, cụ Đĩnh có kê khai thì nhà này cũng đương nhiên bị cải tạo).

Ngoài ra, theo trình bày của phía bị đơn thì ngoài căn nhà 29 Lê Ngọc Hân, vợ chồng cụ Ngọc còn có các căn nhà khác (như nhà 15 Lãn Ông, 79 Hàng Đồng, 49 Tô Hiến Thành…)”

“Hộ cụ Thọ, hộ cụ Loan, hộ cụ Tuyết cùng các con, cháu đã ở đây khoảng 50 năm nay. Lẽ ra, tòa án cấp sơ thẩm, tòa án cấp phúc thẩm phải làm rõ vợ chồng cụ Ngọc, cụ Đĩnh có kê khai đăng ký căn nhà nào và có kê khai, đăng ký căn nhà 29 Lê Ngọc Hân trong thời kỳ nhà nước thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đối với nhà cho thuê hay không.

Trong trường hợp có cơ sở xác định vợ chồng cụ Ngọc, cụ Đĩnh không kê khai, đăng ký căn nhà 29 Lê Ngọc Hân trong thời kỳ nhà nước thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa thì phải áp dụng điều 257 (bộ luật dân sự có hiệu lực từ ngày 01/7/1996) để xác định vợ chồng cụ Ngọc, cụ Đĩnh đã từ bỏ quyền sở hữu đối với nhà 29 Lê Ngọc Hân.

Quá trình sử dụng nhà 29 Lê Ngọc Hân, gia đình các bị đơn đã sửa chữa, cải tạo lại nhà; một số hộ đã xây dựng mới trên một phần diện tích thuộc khuôn viên căn nhà để ở, trong đó, hộ chị Nguyễn Thị Anh Thơ đã xây một căn nhà trên diện tích 35.67m2 (có lúc gia đình chị Thơ khai là xây trên nền gara cũ, có lúc khai là xây trên đất trống, do chỉ là thế hệ cháu của cụ Thọ nên không thể biết chính xác thực trạng nhà đất của thời gian 1954 - 1955).

Chính quyền phường Phạm Đình Hổ đã xử phạt hành chính trong quá trình xây dựng căn nhà 35.67m2 của chị Thơ do việc xây dựng không có giấy phép. Thực tế, các phần xây thêm này đã được sử dụng một cách riêng biệt, hoàn toàn với tòa nhà 2 tầng; không có tài liệu nào thể hiện là cụ Ngọc đã khiếu kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi các hộ ở đây xây dựng thêm diện tích để ở.

Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xem xét phần diện tích xây dựng thêm của các hộ bị đơn có đủ điều kiện để được công nhận quyền sở hữu theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 hay không", các bị đơn cho hay.

Dù quyết định giám đốc thẩm có nêu ý kiến của Hội đồng thẩm phán như vậy, thế nhưng ngày 30 và 31/5/2019, TAND quận Hai Bà Trưng mở phiên xét xử và ra bản án số 15/2019/DS-ST, tiếp tục thừa nhận quyền sở hữu ngôi nhà 29 Lê Ngọc Hân cho ông Ngọc và các con.

Chúng tôi tiếp tục bảo lưu yêu cầu tòa án giám định xác minh tính hợp lệ, hợp pháp của tờ bằng khoán điền thổ và chứng thư đoạn mại giữa vợ chồng ông Phạm Huy Ngọc và vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngọc tại bằng khoán điền thổ số 434 khu Đồn Thủy vì có nhiều điểm khác thường, nghi vấn các giấy tờ này đã được làm giả để chiếm đoạt tài sản khi chính quyền cách mạng chuẩn bị tiếp quản Thủ đô” – các bị đơn nói.

Cuối cùng, các bị đơn đề nghị trong bất cứ tình huống phán quyết nào của Tòa án về quyền sở hữu, chiếm hữu đối với ngôi nhà 2 tầng tại 29 Lê Ngọc Hân thì yêu cầu được công nhận quyền sở hữu đối với các phần diện tích các căn nhà các bị đơn đã xây dựng thêm để ở, không liền kề với ngôi nhà 2 tầng cũ, đối với các hộ ông Huỳnh, ông Quân, anh Tuấn, chị Thơ như được đề cập cụ thể tại các bản án sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm của các cấp xét xử.

Lê Hưng
Bình luận
vtcnews.vn