• Zalo

Xét xử vụ 200 triệu lít xăng giả: HĐXX cho cách ly 13 bị cáo để xét hỏi

Pháp đìnhThứ Hai, 31/10/2022 15:34:32 +07:00Google News
(VTC News) -

Luật sư đề nghị và được HĐXX đồng ý cho cách ly 13 bị cáo khác liên quan hành vi phạm tội của 2 bị cáo cầm đầu là Phanh Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn.

Ngày 31/10, phiên tòa xét xử 3 bị cáo, gồm: Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ TP Hải Phòng); Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cùng 70 đồng phạm trong vụ án 200 triệu lít xăng giả tiếp tục phần xét hỏi.

Trước khi tiếp tục xét xử, luật sư đề nghị và được HĐXX đồng ý cho cách ly 13 bị cáo khác liên quan hành vi phạm tội của bị cáo Hữu và Viễn.

Khi được hỏi về việc góp vốn nhập xăng, điều động 2 tàu Western Sea và Pacific Ocean, bị cáo Viễn cho hay sau khi góp vốn với bị cáo Hữu, việc điều động thuyền trưởng 2 tàu này đưa xăng vào Việt Nam đều do Hữu xử lý.

Xét xử vụ 200 triệu lít xăng giả: HĐXX cho cách ly 13 bị cáo để xét hỏi - 1

Bị cáo Đào Ngọc Viễn.

Nhằm che giấu hành vi phạm tội, bị cáo Viễn đã cho em họ là Nguyễn Minh Khoa (52 tuổi, ngụ quận Lê Chân, TP Hải Phòng) thuê lại tàu để cho người Trung Quốc thuê vận chuyển hàng.

Với danh nghĩa là Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, bị cáo Viễn đã vay ngân hàng để mua 2 tàu con tàu nói trên, khi vay của ngân hàng bắt buộc phải thế chấp tàu. Do đó, bị cáo Viễn mong HĐXX trả lại tàu cho phía ngân hàng.

Cũng theo bị cáo Viễn, trước khi Hữu rủ Viễn cùng góp vốn buôn lậu xăng, Hữu từng bị cảnh sát biển bắt 2 lần nên không thể đem tàu sang nước ngoài vận chuyển xăng nữa.

Do đó, Hữu đã kêu gọi Viễn góp vốn và thuê lại tàu của Viễn nhằm chia bớt rủi ro. 2 bị cáo rủ thêm bị cáo Phùng Danh Thoại (nguyên Đại tá, Trưởng Phòng Xăng dầu thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), góp vốn để nếu bị bắt thì nhờ bị cáo Thoại đứng ra giúp.

Theo bị cáo Viễn, quá trình giao, nhận xăng, Hữu dùng điện thoại vệ tinh chỉ đạo thuyền trưởng các tàu đem xăng vào Việt Nam.

"Bị cáo không liên lạc được với 2 thuyền trưởng của tàu mình để nhận hàng", bị cáo Viễn khai.

Bị cáo Viễn khai suốt từ lúc bắt đầu làm đến khi bị bắt, Viễn không liên lạc trực tiếp với Hữu do có mâu thuẫn. Dù khẳng định không nắm được số lượng cụ thể trong từng chuyến hàng, nhưng Viễn thừa nhận góp vốn 10% và nhận lợi bất chính thu được từ hoạt động buôn lậu khoảng 25 - 27 tỷ đồng. Số tiền này thấp hơn số tiền 46,7 tỷ đồng mà cáo trạng truy tố.

Quá trình làm ăn, Viễn khai Hữu còn nợ 3 chuyến hàng chưa trả tiền. “Tư duy của bị cáo chỉ tính tiền cho Hữu thuê tàu, còn lại bị cáo không quan tâm đến việc bán hàng về Việt Nam”, bị cáo Viễn nói.

Theo cáo trạng, từ năm 2019, Phan Thanh Hữu cùng Đào Ngọc Viễn và 3 người khác góp tổng cộng 53,4 tỷ đồng để mua xăng lậu từ Singapore về Việt Nam bán, ăn chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại hưởng 60%.

Về nhiệm vụ, Hữu trực tiếp đứng ra giao dịch, còn Viễn điều tàu sang chở hàng về Việt Nam và neo đậu ở phao số 0. Lúc này, Hữu cho tàu của mình ra lấy hàng rồi chở qua kho chứa nổi đặt ở sông Hậu (thuộc tỉnh Vĩnh Long).

Xăng nhập lậu từ Singapore có màu trắng, trong khi xăng tại thị trường Việt Nam có màu vàng. Để không bị phát hiện, Hữu mua phụ gia về pha chế cho ra màu vàng. Công thức là 1kg bột màu vàng hòa với 5 lít dung môi rồi đổ vào 100m3 xăng, sau đó mang đi tiêu thụ tại hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Đêm 6/2/2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Bộ Công an huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ triệt phá đường dây buôn lậu này.

Cũng theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 - tháng 2/2021, nhóm Hữu và Viễn vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng, trong đó tiêu thụ hơn 196 triệu lít xăng, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng.

Trong quá trình buôn lậu, Hữu cử Tứ tiếp cận Ngô Văn Thụy, là đội trưởng thuộc Cục điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để hối lộ, nhờ Thụy giúp đỡ.

Tứ đã đưa cho Thụy phong bì chứa 10.000 USD và 1 thẻ ATM có 100 triệu đồng. Sau đó, Hữu trực tiếp gặp Thụy và đưa thêm 500 triệu đồng.

Ngoài việc hối lộ Ngô Văn Thụy, Hữu và Tứ còn có hành vi đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển tài liệu, chứng cứ sang Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn