Sáng 28/10, phiên tòa xét xử vụ án làm giả 200 triệu lít xăng dầu bước sang ngày làm việc thứ 4, Hội đồng xét xử (HĐXX) bắt đầu bước vào phần xét hỏi.
Đây là vụ án buôn lậu xăng dầu lớn nhất cả nước từ trước đến nay, 3 bị cáo cầm đầu, gồm: Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ TP.HCM), Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh; Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, cùng 70 bị can khác bị truy tố về tội buôn lậu.
Tại tòa, bị cáo Đào Ngọc Viễn khai sử dụng 2 tàu biển đăng ký quốc tịch Panama gồm Pacific Ocean (3.000 tấn) và Western Sea (5.000 tấn) vào cảng Vopak (Singapore) lấy hàng rồi chở về vùng biển Việt Nam. Sau khi lấy hàng xong về vị trí nào, vùng biển nào thì bị cáo Phan Thanh Hữu là người trực tiếp điều động.
2 chiếc tàu Pacific Ocean và tàu Westem Sea, được Viễn mua tại Hàn Quốc và Hà Lan để làm phương tiện vận chuyển chở dầu ăn.
Khi tòa hỏi tại sao bị cáo lại treo cờ quốc tịch nước ngoài mà không treo cờ Việt Nam, Viễn cho biết, do 2 tàu của Viễn mua đã quá 15 tuổi nên phải treo cờ quốc tịch Panama để được lưu hành trong khu vực biển Việt Nam.
Về phần chia lợi nhuận trong quá trình vận chuyển xăng về Việt Nam tiêu thụ, Viễn cho biết, trong quá trình vận chuyển xăng về Việt Nam, bị cáo góp 30% cổ phần vào 2 tàu Pacific Ocean và tàu Westem Sea, được chia lợi nhuận 30 tỷ đồng và số tiền này được Hữu giao trực tiếp.
Bị cáo Viễn thừa nhận cáo trạng truy tố đúng hành vi, chỉ có số tiền thu lợi bất chính có khác so với lời khai trước đây tại cơ quan điều tra. Cụ thể, lợi nhuận chỉ 1.500 đồng/lít chứ không phải 2.000 đồng/lít như đã khai. Nên số tiền thu lợi bất chính không phải con số 46,7 tỷ đồng mà cáo trạng truy tố.
Bị cáo Viễn cho rằng, bản thân vốn chỉ làm nghề vận tải, chuyên chở quốc tế mà không biết buôn bán xăng dầu, quá trình vận chuyển xăng từ nước ngoài về bán không nghĩ là vi phạm pháp luật (vì chỉ làm công tác vận chuyển). Tuy nhiên, khi bị bắt và được cơ quan điều tra giải thích, Viễn biết rằng hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Liên quan đến chi tiết này, đại diện Viện KSND cho rằng, bị cáo Viễn khai tại toà không đúng với cáo trạng nên đề nghị được công bố biên bản hỏi cung bị can và được HĐXX chấp thuận. Theo bút lục mà Viện KSND tỉnh Đồng Nai công bố, Viễn thu lợi khoảng 46 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, từ năm 2019, Phan Thanh Hữu cùng Viễn và 3 người khác góp tổng cộng 53,4 tỷ đồng để mua xăng lậu từ Singapore về Việt Nam bán, ăn chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại hưởng 60%.
Về nhiệm vụ, Hữu trực tiếp đứng ra giao dịch, còn Viễn điều tàu sang chở hàng về Việt Nam và neo đậu ở phao số 0. Lúc này Hữu cho tàu của mình ra lấy hàng rồi chở qua kho chứa nổi đặt ở sông Hậu (thuộc tỉnh Vĩnh Long).
Do xăng nhập lậu từ Singapore có màu trắng, trong khi xăng tại thị trường Việt Nam có màu vàng. Để không bị phát hiện, Hữu mua phụ gia về pha chế cho ra màu vàng. Công thức là 1kg bột màu vàng hòa với 5 lít dung môi rồi đổ vào 100m3 xăng, sau đó mang đi tiêu thụ tại hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía nam.
Đêm 6/2/2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ triệt phá đường dây buôn lậu này.
Cũng theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 - tháng 2/2021, nhóm Hữu và Viễn đã vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít xăng, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng.
Trong quá trình buôn lậu, Hữu đã cử Tứ tiếp cận Ngô Văn Thụy, là đội trưởng thuộc Cục điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để hối lộ, nhờ Thụy giúp đỡ.
Tứ đã đưa cho Thụy phong bì chứa 10.000 USD và 1 thẻ ATM có 100 triệu đồng. Sau đó, Hữu trực tiếp gặp Thụy và đưa thêm 500 triệu đồng.
Ngoài việc hối lộ Ngô Văn Thụy, Hữu và Tứ còn có hành vi đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển tài liệu, chứng cứ sang CQĐT hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Bình luận