• Zalo

Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát từ ngày 5/3 - 29/4

Pháp đìnhThứ Sáu, 16/02/2024 15:47:27 +07:00Google News
(VTC News) -

TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm 86 bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát từ ngày 5/3 - 29/4.

Ngày 16/2, tin từ TAND TP.HCM, từ ngày 5/3 - 29/4, TAND thành phố sẽ xét xử sơ thẩm các bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Chu Lập Cơ (68 tuổi) và 84 bị cáo khác trong vụ án.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội danh Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Phiên tòa do chánh tòa hình sự Phạm Lương Toản làm chủ tọa. Viện KSND tối cao phân công 10 kiểm sát viên thuộc Viện KSND tối cao và Viện KSND TP.HCM sẽ giữ quyền công tố tại tòa.

Bị cáo Trương Mỹ Lan thời điểm bị bắt.

Bị cáo Trương Mỹ Lan thời điểm bị bắt.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử 3 tội danh gồm: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và  có 5 luật sư bào chữa gồm: Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp,  Giang Hồng Thanh và Trương Thanh Đức.

Trước đó, trả lời VTC News, ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng TAND TP.HCM cho biết, vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến sai phạm trong hoạt động tín dụng tại SCB có gần 2.500 tập tài liệu, đóng trong 104 thùng hồ sơ, nặng khoảng 6 tấn, với khoảng 1 triệu bút lục.

Do vậy, Tòa chuẩn bị một phòng riêng đựng hồ sơ, tạo điều kiện để các luật sư sao chụp, nghiên cứu tài liệu và lắp đặt hệ thống PCCC, camera để bảo vệ.

Theo ông Duy, TAND TP.HCM đã lường trước hồ sơ vụ án nhiều, sẽ có hàng trăm luật sư tham gia bào chữa cho 86 bị can cùng nhiều cá nhân, tổ chức liên quan trong vụ án.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao ban hành, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bị truy tố 3 tội danh gồm: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cáo buộc, bị can Trương Mỹ Lan dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB, song lại là người lũng đoạn, chi phối loạt lãnh đạo ngân hàng này để họ giúp sức rút ruột hơn 304.000 tỷ đồng.

Cáo trạng của VKSND tối cao nêu rõ, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85 -  91,5% cổ phần SCB. Từ đó, bị can trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành,  thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện chuỗi hành vi gồm: tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.

Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.

Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.

Trong đó, VKSND tối cao xác định nhiều hành vi được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.       

Liên quan đến vụ án bà Trương Mỹ Lan, hai cựu Chủ tịch SCB cùng 5 người khác bị khởi tố trong vụ án Vạn Thịnh Phát nhưng đang bỏ trốn, nên bị Bộ Công an phát lệnh truy nã.

Những người bị truy nã gồm: Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên HĐQT SCB), Sun Henry Ka Ziang (thành viên HĐQT SCB), Lam Lee George (cựu thành viên HĐQT SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB).

7 bị cáo trên bị điều tra về các tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và tham ô tài sản trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Theo kết luận, đối với một số bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng SCB đã bỏ trốn, cơ quan điều tra ra quyết định truy nã, đồng thời kêu gọi đầu thú để hưởng lượng khoan hồng. Trong trường hợp họ không ra trình diện, coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị truy tố, xét xử.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn