Sáng nay (7/5), TAND TP Hoà Bình mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vô ý làm chết người”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Chủ toàn phiên toà - ông Nghiêm Hoài Anh công bố mở phiên toà.
3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm chết 8 người ở BV Đa khoa Hòa Bình gồm: Hoàng Công Lương, (SN 1986, Bác sỹ Khoa hồi sức tích cực – Đơn nguyên nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình); Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh - đơn vị bán và lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình); và Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ phòng Vật tư – Trang thiết bị của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Bùi Mạnh Quốc bị Viện kiểm sát nhân dân TP Hòa Bình truy tố về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999.
Trần Văn Sơn và bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999.
Bác sỹ Hoàng Công Lương có 4 luật sư bào chữa là luật sư Nguyễn Văn Chiến, bà Trần Hồng Phúc, ông Nguyễn Văn Đà, bà Ngô Thị Thu Hằng là những luật sư thuộc Công ty Luật TNHH thực hành luật Nguyễn Chiến nhưng đều vắng mặt và có đơn xin hoãn phiên toà.
Trong khi đó luật sư bào chữa cho các bị hại là ông Nguyễn Hoàng Trung cũng đề nghị hoãn phiên toà do vắng mặt đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình và nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Đại diện VKSND TP Hoà Bình đề nghị hoãn phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người liên quan nêu ý kiến, do sự vắng mặt của các luật sư bào chữa.
Đại diện VKSND TP Hoà Bình cũng không đề nghị các bị cáo, những người có quyền nghĩa vụ liên quan cung cấp tang chứng vật chứng.
10h05, sau thời gian vào phòng nghị án thảo luận về các đề nghị của VKS, luật sư và các bị cáo về việc hoãn phiên toà, HĐXX quyết định hoãn phiên toà đối với 3 bị cáo.
Thời gian mở lại phiên toà được ấn định lúc 8h ngày 15/5 tại toà án nhân dân TP Hòa Bình.
Trước đó (chiều 23/4), bác sĩ Hoàng Công Lương có tâm thư dài 7 trang gửi tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Video: Tai biến chạy thận 8 người chết ở Hòa Bình: 3 người bị bắt mắc sai sót gì?
Trong tâm thư, bác sĩ Lương kể lại diễn biến sự việc và khẳng định: “Với trách nhiệm của bác sĩ điều trị, 3 bác sĩ chúng cháu đã làm hết chức trách và nhiệm vụ trong công tác khám và cứu chữa người bệnh”.
Vị bác sĩ này cũng chia sẻ, gần 1 năm qua, không ngày nào anh không nghĩ về sự cố đã xảy ra.
“Khi nhận được tội danh “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bản thân cháu rất bàng hoàng, đau xót, không thể cắt nghĩa nổi vì sao cháu lại là can phạm tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong khi trách nhiệm đó không thuộc về cháu”, tâm thư viết.
BS Lương cho rằng công việc liên quan đến sửa chữa bảo dưỡng hệ thống nước RO không liên quan đến chuyên môn và trách nhiệm của mình và các đồng nghiệp, họ đã thực hiện công việc của mình "theo đúng quy trình chạy thận nhân tạo chu kỳ được Bộ Y tế ban hành năm 2014 và khi đã được bàn giao từ phòng Vật tư để sử dụng thì có nghĩa "nguồn nước đã đảm bảo an toàn".
Trong phần cuối vị bác sĩ này chia sẻ, tâm thư được chắt lọc từ nước mắt, niềm tin, với mong muốn gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ giúp đỡ, xem xét lại bản chất vụ án, xét xử đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, thượng tôn pháp luật; đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Được biết, sau khi vụ án xảy ra, đến nay bác sĩ Lương đã được Bộ Y tế, Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cùng rất nhiều chuyên gia đầu ngành thận học... cùng hơn 10.000 đồng nghiệp, người dân đã ký tên mong muốn vụ án được xét xử đúng pháp luật, công bằng.
Vụ biến chứng chạy thận làm 8 người bệnh tử vong và 10 người bị tai biến nặng xảy ra tại đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa Hoà Bình hôm 29/5/2017.
Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều chuyên gia hàng đầu đã hỗ trợ cấp cứu cho nhiều bệnh nhân.
Sau khi tai biến xảy ra, 10 bệnh nhân được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, xấp xỉ 100 bệnh nhân lọc máu tại bệnh viện này được chuyển về lọc máu chu kỳ tại nhiều Bệnh viện ở Hà Nội.
Cơ quan công an vào cuộc và xác định nguyên nhân vụ tai biến là do hàm lượng florua tồn dư sau bảo trì hệ thống nước RO sử dụng để chạy thận cao gấp hàng trăm lần mức cho phép. Đơn vị bảo trì hệ thống đã sử dụng loại hoá chất ngoài danh mục cho phép để bảo trì.
Cơ quan công an cũng đã bắt tạm giam 3 người để điều tra vụ việc, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương. Sau đó bác sĩ Lương đã được tại ngoại.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình Trương Quý Dương bị cách chức sau vụ việc này. Cho đến nay gia đình 8 nạn nhân tử vong sau tai biến chạy thận vẫn chưa được đền bù do bệnh viện và các gia đình chưa đồng thuận về mức bồi thường.
Bình luận