Theo BSCKI Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là cách kiểm tra nồng độ ethanol trong máu là bao nhiêu.
Ethanol chứa nhiều trong các loại bia, rượu. Sau khi cơ thể tiêu thụ các loại đồ uống có cồn, Ethanol sẽ được hấp thụ vào máu, sau đó sẽ được gan xử lý và phân giải. Tuy nhiên, việc phân giải Ethanol tại gan không thể diễn ra nhanh chóng. Mỗi giờ gan chỉ có thể phân giải được khoảng 354ml bia hay 148ml rượu vang.
Khi uống một lượng lớn rượu bia trong thời gian ngắn, gan không thể xử lý kịp, khiến cho người bệnh có cảm giác say, gây ra tình trạng thay đổi về hành vi. Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng hay lượng thức ăn tiêu thụ trước khi sử dụng rượu bia và một số yếu tố khác mà tác động của bia rượu với mỗi người sẽ khác nhau.
Theo chuyên gia, việc xét nghiệm cồn trong máu được thực hiện nhằm mục đích kiểm tra nồng độ cồn trong máu với người lái xe, vì khi tham gia giao thông người lái xe cần giữ tinh thần tỉnh táo để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông.
Việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu được áp dụng để phát hiện những trường hợp vi phạm, từ đó xử lý và phòng tránh nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Ngoài mục đích trên, xét nghiệm nồng độ cồn trong máu còn để kiểm tra tại cộng đồng; kiểm tra những người có chỉ định kiêng uống rượu bia trong thời gian đang áp dụng các liệu pháp điều trị; kiểm tra những người nghi ngờ bị ngộ độc rượu.
Ở mỗi người, mức tăng nồng độ cồn trong máu có thể khác nhau, nhưng không nên uống quá nhiều bia rượu.
Việc xét nghiệm nồng độ cồn sẽ được chuyên gia lấy mẫu máu đường tĩnh mạch để thực hiện. Mẫu máu sẽ được cho vào ống đựng chuyên dụng và mang đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu là cách kiểm tra lượng cồn trong máu tại thời điểm lấy mẫu xét nghiệm và không thể biết bạn đã uống bao lâu hoặc những vấn đề về sử dụng rượu. Do đó, mỗi chúng ta cần cân nhắc khi tiêu thụ những loại đồ uống này để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Bình luận