Video: An ninh thắt chặt trước giờ khai mạc phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh và đồng phạm
14h, sau khi kết thúc phần thủ tục, Hội đồng xét xử đã để đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ công bố bản cáo trạng truy tố 92 bị cáo.
11h42, phiên xét xử tạm nghỉ và sẽ tiếp tục diễn ra vào lúc 14h.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Văn Vĩnh đề nghị tòa cho ông Vĩnh được ngồi trừ những lúc lên bục khai báo và có cán bộ y tế túc trực đề phòng khi ông Vĩnh có vấn đề về sức khỏe.
Chủ tọa phiên tòa cũng cho biết, cơ quan chức năng đã bố trí xe y tế, các bác sĩ túc trực để chăm sóc cho các bị cáo khi cần thiết.
11h10, chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến các bị cáo về việc có ai từ chối cơ quan tố tụng công bố bản án lên mạng sau khi tuyên án.
Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh giơ tay rồi trả lời, ông từ chối việc công bố bản án lên trang cổng thông tin điện tử của tòa án.
Chủ tọa đáp lại chỉ cần một người từ chối thì tòa sẽ không công bố bản án lên mạng sau khi tuyên án
8h30, HĐXX kiểm tra căn cước và lý lịch của các bị cáo. Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà Nguyễn Thị Thuỳ Hương - Chánh toà kinh tế (TAND tỉnh Phú Thọ) gọi bị cáo Nguyễn Văn Dương đứng vào bục khai báo nhân thân đầu tiên. Tiếp tục khai báo đến bị cáo Phan Sào Nam, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Lưu Thị Hồng…
Trong đó, bị cáo Phan Văn Vĩnh là người thứ 3 được HĐXX kiểm tra căn cước. Trước HĐXX, ông Vĩnh trả lời khá rõ ràng các câu hỏi.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của HĐXX, ông Phan Văn Vĩnh 2 lần nói nhầm năm sinh của con cả và ngày bị bắt.
Theo lời cựu trung tướng, ông bị bắt ngày 6/4/1998. Sau đó, chủ tọa ngắt lời thông báo theo hồ sơ ông bị bắt ngày 6/4/2018, ông Vĩnh xác nhận lại thông tin này.
Được biết, trước ngày hầu tòa, ông Vĩnh bị ngã và ngất tại phòng bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ do có tiền sử bệnh tim mạch.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa trả lời tòa bằng chất giọng địa phương. “Bị cáo bị tước quân tịch chưa”, ông Hóa đáp: “Bị rồi”.
Sau đó, được đề nghị của luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang - Công ty luật Viên An (Đoàn luật sư TPHCM), người bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh, chủ tọa phiên tòa cho ông Vĩnh và một số bị cáo được ngồi trước bục khai báo.
Có 5 người ngồi xuống ghế dành cho bị cáo có sức khỏe không tốt ghồm: ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương…
Theo dự kiến, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm kéo dài trong 20 ngày tại TAND tỉnh Phú Thọ kể từ ngày 12/11.
Trong phiên tòa này, HĐXX gồm 5 người, 2 thẩm phán chính, 3 hội thẩm nhân dân. Trong đó thẩm phán - Chủ toạ phiên toà là bà Nguyễn Thị Thuỳ Hương - Chánh tòa kinh tế (TAND tỉnh Phú Thọ), 4 kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ sẽ thực hành quyền công tố tại toà.
Ngoài ra, phiên sơ thẩm còn có một thẩm phán dự khuyết, 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết và hai thư ký phiên toà dự khuyết.
Bên cạnh 92 bị cáo, tham gia phiên tòa còn có 33 luật sư, 73 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 14 người làm chứng và 3 điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ).
Trong số 33 luật sư có 30 luật sư bào chữa các bị cáo, 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam và Tổng công ty viễn thông Mobifone; Công ty cổ phần thanh toán điện tử.
Như VTC News đưa tin, ngày 19/7/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành.
Từ đó, Cơ quan An ninh điều tra làm cơ sở điều tra theo tố tụng đối với những người trong đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng điều tra thấy rằng quy mô của vụ án xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Về số lượng người phạm tội lên đến hàng chục nghìn người, đa dạng về thành phần, trong đó có cả những người thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật.
Do đó, ngày 7/9/2017, Bộ Công an có văn bản số 2124a giao Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ điều tra triệt để vụ án.
Đến ngày 11/3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) về tội "Tổ chức đánh bạc", quy định tại khoản 2, Điều 249 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tiếp đó, ngày 6/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3, Điều 281 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ngày 31/8/2018, Viện KSND tỉnh Phú Thọ tống đạt cáo trạng truy tố 92 bị can trong vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”; “đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố khác do các bị can Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (Công ty CNC) cùng đồng phạm lợi dụng công nghệ cao, có sự trợ giúp của ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa.
Theo cáo trạng, ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong đó, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cùng bị truy tố về 2 tội "tổ chức đánh bạc" và "rửa tiền".
Video: Bên trong phòng xét xử 1.000 m² trước ngày ông Phan Văn Vĩnh hầu tòa
Bình luận