Đã có một số phàn nàn về chuyện VTV điều chỉnh lịch trực tiếp V.League 2015 khi quyết định phát sóng toàn bộ 13 trận đấu lượt đi của CLB HAGL.
Bản quyền truyền hình V.League 2 năm qua là chiếc bánh bị thiu
Năm 2012, khi bầu Kiên và các cộng sự ở VPF trong đó có bầu Đức giành chiến thắng bản quyền truyền hình (BQTH) giải V.League với Đài truyền hình AVG. Sau đó bầu Kiên cũng đã mạnh miệng tuyên bố mỗi năm tiền BQTH của V.League sẽ là 80 tỷ đồng và tăng khoảng 15% sau mỗi năm.
Số tiền BQTH nếu đem chia lại cho 14 CLB theo cách ” đội lớn, đội nhỏ” thì mỗi CLB lớn nhận được đến cả 10 tỷ đồng. Nguồn thu BQTH tăng dần lên từng năm sẽ giúp cho CLB dần kiếm được nguồn thu từ bóng đá.
Ở mùa đầu tiên, V.League 2012, gói BQTH này được quy đổi bằng việc VTV mua miễn phí nhưng đổi lại bằng các “shot” quảng cáo trước-trong trận đấu cho nhóm bảo trợ bóng đá VN gồm 11 thương hiệu là HAGL, ACB, BIDV, Bản Việt, VP Bank, Techcombank, Vinamilk, Viettel, Đồng Tâm, Đạm Phú Mỹ, Sacombank. HAGL đang là đội bóng đáng xem nhất hiện nay ở V-League (Ảnh: Minh Trần)
Nhờ việc đổi gói quảng cáo lấy sóng trực tiếp giữa VPF và VTV mà năm 2012, VPF cho biết đạt lợi nhuận ròng 11 tỷ đồng. Tuy nhiên kể từ khi bầu Kiên vướng vòng lao lý vào cuối năm 2012 đến nay, tức là trong 2 mùa bóng 2013 và 2014, tiền BQTH gần như không còn được nhắc đến nữa. Nhóm doanh nghiệp bảo trợ BĐVN không chính thức tuyên bố song cũng tự động rã ngũ và trên thực tế sóng trực tiếp chỉ còn quảng cáo cho HAGL, Đồng Tâm và nhà tài trợ chính Eximbank.
Mới đây, trong cuộc họp cổ đông thường niên VPF tại TPHCM thì lợi nhuận của VPF trong mùa 2013 chỉ còn khoảng… 1,1 tỷ đồng và năm 2014 là 3,56 tỷ.
Tiền BQTH khủng như hứa hẹn lúc trước giờ chỉ còn là miếng bánh vẽ khiến nhiều đại biểu CLB như Đồng Nai đã nói thẳng: “CLB chẳng thấy được chia đồng nào từ tiền BQTH cả”.
HAGL lợi và cũng giúp cho CLB khác hưởng theo
Trước khi hiện tượng Học viện HAGL JMG của lứa Công Phượng, Tuấn Anh nổi lên trong năm 2014 thì tiền BQTH của giải V.League 2015 cũng đã được coi như “bỏ đi”. Tuy nhiên, khi “HAGL phiên bản 2015” nổi như cồn thì gió đã đổi chiều theo hướng có lợi cho giải V.League và trước hết là chính HAGL lẫn bầu Đức.
Sau trận đấu ra quân Sanna Khánh Hòa của HAGL đã thu hút hàng triệu người dán mắt vào màn hình để xem trực tiếp thì VTV đã nhanh chóng đổi ngay lịch thi đấu bằng cách trực tiếp luôn toàn bộ 13 trận của HAGL ở lượt đi V.League 2015. Vỡ sân Pleiku ngày khai mạc (Ảnh: Minh Trần)
Đã có nhiều ý kiến phàn này rằng, VTV làm vậy sẽ thiệt thòi cho các CLB còn lại song kỳ thực như đã trình bày ở trên, trong 2 năm qua BQTH giải V.League đã bị “vứt xó”, rất ít người xem. Các CLB trên thực tế cũng chẳng thu được tiền chia từ gói BQTH. Vì vậy, việc VTV có trực tiếp các trận đấu các CLB gần như cũng không giúp CLB bán được thêm bảng quảng cáo trên sân.
Ở mùa giải 2014 vừa qua, theo thống kê có một số CLB đá 2 lượt đi-về thậm chí còn chẳng được VTV trực tiếp lấy 1 trận, như trường hợp QNK Quảng Nam (có trực tiếp cũng chẳng mấy ai xem).
Clip: Siêu phẩm solo ghi bàn của Công Phượng
Do vậy, việc VTV trực tiếp 13 trận của HAGL lượt đi thì đương nhiên bầu Đức hưởng lợi nhiều nhất nhưng các CLB đá với HAGL cũng “hưởng sái” cái lợi đó. Ví dụ như Sanna Khánh Hòa vừa qua với thương hiệu “Sanna” (yến sào) đã trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng.
Nói một cách khác, các CLB còn lại thà có thể chỉ được VTV trực tiếp 1 trận ở lượt đi nhưng đó là trận đấu “đắt xắt ra miếng” còn hơn được trực tiếp 2-3 trận mà trận chẳng ai muốn bật tivi.
Đầu tàu kéo cả đoàn tàu
VTV khi quyết định trực tiếp 13 trận HAGL, bản thân VTV cũng lợi ở lượng người xem tăng vọt, đồng nghĩa với giá trị các “shot” quảng cáo cũng tăng lên theo cấp số nhân. Người xem (khán giả) đương nhiên cũng có lợi vì họ được thỏa mãn nhu cầu muốn xem trực tiếp đội bóng và cầu thủ mà mình yêu mến.
VTV hoàn toàn không có lỗi gì ở đây cả, tất cả đều do quy luật cung-cầu quyết định.
Các doanh nghiệp đặt bảng quảng cáo trên các sân bóng khi có đội HAGL đá cũng hưởng lợi vì thương hiệu sẽ “đập vô mắt” hàng triệu khán giả cả nước. Công Phượng đảm bảo sức hút cho HAGL (Ảnh: Minh Trần)
Cuối cùng sức nóng của HAGL sẽ tạo ra một hiệu ứng dây chuyền cho các CLB cố gắng thi đấu quyết liệt, sòng phẳng và đẹp mắt hơn để chứng tỏ được phẩm chất trước các CĐV, khán giả. Qua đó thương hiệu của giải V.League được nâng cao hơn, giá trị đương nhiên sẽ tăng lên, trong đó có cả giá trị BQTH.
Clip: HAGL bị phạt 10 triệu đồng vì để vỡ sân
Xét trên mọi khía cạnh, về hiện tượng cũng như bản chất, bầu Đức và HAGL đang làm lợi cho V.League. Còn nếu CLB nào cho rằng họ bị thiệt thòi vì bầu Đức thì hãy cứ chứng tỏ bằng hành động, tạo ra sức hút lớn hơn cái tên HAGL thì tự động sẽ được VTV ưu ái.
Thị trường là nơi quyết định tất cả !
Theo Một thế giới
Bình luận