Cận cảnh quy trình làm sơn mài của làng nghề Hạ Thái.
Làng Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 17km, tiền thân là phường sơn son thếp vàng Cự Tràng có từ khoảng thế kỷ XVII, với công việc chính là sơn son thếp vàng các đồ vật dâng vua chúa, hoàng tộc. Sau đó, làng đổi tên thành Đông Thái và bây giờ là Hạ Thái. Những năm 1930, người dân tìm tòi sử dụng các vật liệu như vỏ trứng, vỏ trai, cật tre... để tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo như ngày nay.
Nét độc đáo của sơn mài Hạ Thái giúp sản phẩm của làng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Các nghệ nhân Hạ Thái cho biết, sản phẩm sơn mài của làng thường dùng các vật liệu màu truyền thống như sơn then, sơn cánh gián.
Để tạo nên một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh, người thợ phải kiên trì với phương pháp thủ công, thậm chí mất hàng tháng trời, trải qua nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ. Đặc biệt, nghề này đòi hỏi phải có kiến thức về hội họa mới có thể cho ra những tác phẩm chất lượng cao.
Các vật liệu được sử dụng trong quy trình làm sơn mài ở Hạ Thái: Thếp vàng, vỏ trai, thếp bạc, vỏ trứng.
Một nghệ nhân lâu năm cho biết, công nghệ sơn mài có nguyên lý chung, nhưng thành phẩm sẽ khác biệt do kinh nghiệm, kỹ thuật của người làm.
Để làm ra sản phẩm sơn mài, đầu tiên người thợ phải bó hom vóc bằng giấy bả. Họ sử dụng đất phù sa để bít các vết rạn nứt của tấm gỗ, mỗi lớp sơn lại lót một lớp giấy hoặc vải màn. Sau đó, họ phải đục mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc (ván gỗ) nhằm chống vết rạn xé dọc tấm vải. Sau khi gỗ khô kiệt, họ mới hom sơn kín cả mặt trước và mặt sau. Công đoạn này nhằm bảo vệ tấm vóc để nó không thể thấm nước, không bị mối mọt, gỗ không co ngót lại do ảnh hưởng của môi trường. Tấm vóc được xử lý càng kỹ, tuổi thọ của sản phẩm càng dài. Tuổi thọ của mỗi tác phẩm sơn mài có thể dài tới 400-500 năm.
Việc pha sơn cũng đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm. Sơn pha sai tỷ lệ sẽ khó khô, sai màu. Thông thường, người thợ sẽ sử dụng hai loại sơn ta và sơn điều. Hiện nay, sơn điều được nhiều người lựa chọn sử dụng do giá rẻ, đặc tính lành, không ăn da, trong khi sơn ta giá đắt, lại có đặc tính ăn da, người làm không quen sẽ dễ bị dị ứng. Giá 1kg sơn ta ngoài thị trường là 400.000 - 500.000 đồng/kg, trong khi sơn điều chỉ 50.000 đồng.
Sau khi có được tấm vóc hoàn chỉnh hoặc các mô hình chạm khắc, bình hoa..., thợ sơn mài mới tạo màu và đợi màu khô.
Để tăng năng suất, nhiều nhà xưởng sử dụng máy phun sơn để tạo màu thay vì làm thủ công.
Sau đó, họ gắn, dán chất liệu cho tác phẩm như vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc, rồi lại phủ một lớp sơn lên bề mặt.
Với kỹ thuật sơn phủ tượng cho các món đồ nội thất như hương án, hoành phi, câu đối…, người thợ phải làm trong phòng kín và quây màn xung quanh để gió không thổi bay các nguyên liệu quỳ vàng, quỳ bạc, đồng thời tránh bụi bám vào nước sơn còn ướt.
Tiếp theo là khâu mài và đánh bóng. Sau khi mài, độ bóng chìm trong cốt màu tạo nên độ sâu thẳm của tranh.
Hoạ sỹ Trần Công Dũng, người đã gắn bó với nghề sơn mài gần 30 năm, cho biết: "Nghề sơn mài đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm. Để học và làm được hết tất cả các công đoạn của sơn mài thì sẽ mất rất nhiều thời gian, do đó các hộ gia đình làm nghề ở Hạ Thái thường chia nhau mỗi nhà làm một công đoạn. Đối với tranh sơn mài, cái khó nhất là công đoạn lên ý tưởng và phác họa. Mỗi nhà sẽ làm một kiểu khác nhau, nên sản phẩm các nhà có vẻ đẹp khác nhau".
Mỗi sản phẩm sơn mài kích cỡ bé tại đây có giá từ 300.000 - 1.000.000 đồng. Những sản phẩm tinh xảo, tranh sơn mài kích thước lớn giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, những sản phẩm lớn được thiết kế riêng, chế tác tinh xảo có thể được bán với giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Chị Vân Anh, chủ xưởng sơn mài tại làng Hạ Thái cho biết: "Từ năm 6 tuổi, tôi đã ngửi mùi sơn mài, hơn 20 tuổi bắt đầu lên làm chủ, mở xưởng sản xuất, đến nay 46 tuổi đã có hơn 20 năm làm nghề. Nghề này tôi được truyền lại từ các cụ thời xa xưa. Xưởng của tôi hiện làm đa dạng các sản phẩm sơn mài, phục vụ thị trường quà tặng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay các sản phẩm sơn mài của Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước. Sản phẩm của Trung Quốc tuy đẹp nhưng nhiều khách nhận xét là không có hồn. Nhiều khách nước ngoài sau khi mua hàng bên Trung Quốc đã quay lại Việt Nam vì sản phẩm sơn mài Hạ Thái mang vẻ đẹp riêng".
Nói về những khó khăn của nghề sơn mài, chị Vân Anh cho biết đó là các vấn đề thợ pha sai màu, nhầm kích thước, ảnh hưởng của thời tiết. "Gặp mưa hay không khí ẩm thì lớp sơn sẽ bị ám màu; trời nắng đẹp, hanh thì sản phẩm mới lên màu đẹp được", bà chủ xưởng nói, cho biết người làm nghề này phải liên tục trao đổi, học hỏi mỗi ngày.
Nghề sơn mài đem lại thu nhập tốt. Thợ phun sơn làm khoán mỗi ngày kiếm thu nhập từ 2.500.000 - 2.000.000 đồng. Thợ dát vàng, bạc mỗi ngày có thể dát hơn 3.000 chiếc, tiền công 2.000 - 2.200/chiếc
Bình luận