• Zalo

Xe máy Việt - 'Chẳng ai thèm đi!'

Kinh tếThứ Tư, 08/10/2014 03:24:00 +07:00Google News

Trong 39 triệu chiếc xe máy đang ngày đêm lưu thông khắp nơi trên đất nước ta, liệu có bao nhiêu chiếc do người Việt chế tạo? Xe máy Việt sản xuất ra, ai đi?

Trong 39 triệu chiếc xe máy đang ngày đêm lưu thông khắp nơi trên đất nước ta, liệu có bao nhiêu chiếc do người Việt chế tạo? Xe máy Việt sản xuất ra, ai đi?

Những câu hỏi nói trên, hẳn chẳng cần phải tổ chức một cuộc nghiên cứu nào, mà chỉ nhìn qua thực tế thì cũng có thể dễ dàng trả lời được. Rất ít người Việt “chịu” đi xe máy Việt, nên doanh nghiệp sản xuất xe gắn máy 100% vốn trong nước dường như lúc nào cũng “ngắc ngoải”, “chết lúc nào không hay”.

Nỗi buồn của doanh nghiệp Việt

Năm 2011 người dân Việt Nam mua dùng khoảng 3,7 triệu xe gắn máy, tăng 22% so với năm 2010. Phần lớn những xe này lắp ráp tại khoảng 45 cơ sở ở Việt Nam, trong đó chủ yếu là cơ sở liên doanh với các hãng nước ngoài hay nước ngoài đầu tư trực tiếp 100% vốn (FDI) như Honda, Yamaha, Suzuki (Nhật), SYM (Đài Loan) và Piaggio (Ý).
Các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất xe gắn máy 100% vốn trong nước ngày càng teo tóp dần thị phần
Các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất xe gắn máy 100% vốn trong nước ngày càng teo tóp dần thị phần 

Nhưng buồn thay là không một nhãn hiệu xe nào có tên thuần túy Việt Nam, vì cho tới nay chưa có chiếc xe gắn máy nào được hoàn toàn chế tạo bởi người Việt Nam, bởi một doanh nghiệp do người Việt Nam hoàn toàn làm chủ, mặc dầu sự liên doanh, liên kết sản xuất hiện diện ở nước ta đã hơn hai thập niên.

Điều đáng buồn hơn nữa là trong khi các cơ sở có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài càng ngày càng ăn nên làm ra, sản lượng và doanh thu càng ngày càng cao, đang hướng tới việc xuất qua các nước khác các dòng xe họ làm ra tại Việt Nam, thì các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất xe gắn máy 100% vốn trong nước ngày càng teo tóp dần thị phần, đang rất vất vả để cạnh tranh và nguy cơ đóng cửa cao, từ 56 doanh nghiệp trong nước xuống còn không tới 30 doanh nghiệp.


Ngay cả Công ty Hoa Lâm (TP.HCM) trước đây được xem là doanh nghiệp lắp ráp xe gắn máy lớn trong nước với thương hiệu Halim giờ đây cũng đã rút khỏi cuộc chơi, dù mấy năm qua công ty này cũng có liên doanh với đối tác Đài Loan là Kymco.

Hay như Công ty TNHH Sufat Việt Nam, phần sản xuất xe máy của doanh nghiệp này tuy vẫn đang hoạt động, nhưng cũng ở trong tình trạng khá lặng lẽ. Trên trang chủ của Sufat, tin tức mới nhất về xe máy là vào cuối tháng 12/2013 với việc giới thiệu sản phẩm mới Win INDO sẽ ra mắt trong tháng 2/2014. Đây là sản phẩm do Sufat phối hợp với đối tác PT Astra International (Indonesia) nghiên cứu nhằm tạo ra sự đột phá mới trên thị trường.

Tuy nhiên, từ đó tới nay, không có thêm bất cứ thông tin nào về xe máy của Sufat được đề cập. Các sản phẩm mới được nhắc tới của Sufat đa phần là xe đạp điện. Vì xe máy sản xuất ra bán cho ai và ai đi?Sufat được xem là doanh nghiệp sản xuất xe máy còn hoạt động sôi nổi nhất trong số các doanh nghiệp nội địa 100% còn trụ lại ở lĩnh vực này vốn được đếm trên đầu ngón tay vài năm qua. Tuy nhiên, thực tế khó khăn của Sufat cũng cho thấy, thị trường xe máy đã bước sang bên kia của đỉnh dốc, dù tốc độ suy giảm sản lượng diễn ra từ từ.

Tình trạng của Hoa Lâm và Sufat cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp xe máy mang thương hiệu Việt. Đó là một sự thất bại rất lớn trong kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Nhà nước luôn hô hào, đề cao từ mấy chục năm qua. Biết bao lâu nữa Việt Nam sẽ tự chế tạo được xe gắn máy hay mãi mãi chỉ làm thuê, lắp ráp cho người ta mà thôi?!

Sai từ đâu?

Có thể kết luận, Nhà nước đã xác định sai mục tiêu khi không nhằm tạo ra xe gắn máy, xe ôtô mang thương hiệu Việt Nam mà lại biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ xe ngoại nhập hoặc xe liên doanh.
Sufat bỏ dần xe máy, chuyển sang <a href='https://vtcnews.vn/kinh-te.1.0.html' >kinh doanh</a> xe đạp điện
Sufat bỏ dần xe máy, chuyển sang kinh doanh xe đạp điện 

Nhà quản lý thì không có chính sách đúng đắn để khuyến khích, nâng đỡ những doanh nghiệp Việt Nam để họ có điều kiện phát triển xe nội địa, mang thương hiệu Việt Nam. Kết quả là các doanh nghiệp cứ phải "tự thân vận động". Tự "mò mẫm" làm ra được chiếc xe máy mà không được hỗ trợ đầu tư nhiều về vốn, chất xám và công nghệ. Thế nên, xe máy do người Việt chế tạo xấu về kiểu dáng, kém về chất lượng và cũng chẳng thể lấy lợi thế về giá thành để cạnh tranh.

Biện pháp của Chính phủ chỉ là kêu gọi những nhà sản xuất xe nước ngoài vào đầu tư. Các tỉnh, thành phố tranh đua nhau mời đón họ vào hoặc liên doanh, hoặc họ đầu tư 100% vốn, mà trong cả hai trường hợp, nhà doanh nghiệp nước ngoài đều làm chủ doanh nghiệp vừa vốn vừa công nghệ. Một khi họ làm chủ vừa vốn vừa công nghệ thì không bao giờ họ chuyển giao hết bí mật công nghệ của họ cho Việt Nam.

Và vì làm thuê cho người ta thì đừng nghĩ đến chuyện anh có cơ hội sáng tạo ra cái mới, cái mang bản sắc của người Việt, do người Việt tư tay chế tạo ra. Hậu quả là không một doanh nghiệp Việt Nam nào có đủ khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất xe gắn máy với những người chủ nước ngoài đang sản xuất xe tại nước ta.

Cho nên không lấy làm lạ khi Việt Nam được coi là “đất nước của những chiếc xe máy” - nơi chiếc xe máy được phần đông người dân sử dụng thì lại “chẳng ai thèm” đi chiếc xe do chính người Việt chế tạo.

Theo Autodaily
Bình luận
vtcnews.vn