Clip: Hai người đàn ông đầu trần phóng xe lấn làn, tông thẳng ô tô tại Hà Nội
Ngày 16/6, trên cầu vượt Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), hai người đàn ông đi xe máy đánh võng, vượt ẩu, lấn làn và đâm thẳng vào xe ô tô đi đúng làn ở chiều ngược lại, khiến cả hai bị thương. Sau vụ tai nạn, nhiều người đặt câu hỏi liệu trong trường hợp này, câu chuyện "xe lớn đền xe bé" có xảy ra?
Trả lời PV VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, ông thực sự hoảng hốt khi xem lại clip hai người đàn ông phóng nhanh vượt ẩu đâm trực diện vào xe ô tô Innova trên cầu vượt.
"Trường hợp này, hai người đàn ông đi xe máy đã có hành vi vi phạm quy tắc khi tham gia giao thông đường bộ là điều khiển và ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, vượt ẩu, lấn sang làn đường bên cạnh.
Xe máy do người đàn ông điều khiển đâm trực diện vào xe ô tô lưu thông hướng ngược chiều. Cú đâm cực mạnh khiến cả hai người bị hất văng lên cao rồi ngã xuống đường, nằm bất động, một người đàn ông bị gãy dập 2 chân, người còn lại thương nặng, bất tỉnh" ông Cường nói.
Theo luật sư Cường, đây là hành vi vi phạm pháp luật giao thông nghiêm trọng, nguy hiểm gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Bởi vậy, nếu người lái xe máy này không chết, hậu quả người ngồi sau chết hoặc thương tích 61% trở lên hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của xe ô tô thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Hình ảnh qua clip là một minh chứng rất rõ ràng về lỗi vi phạm của người lái xe máy này, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Trong tình huống trên thì rất có khả năng lỗi hoàn toàn thuộc về xe máy.
Xe ô tô Innova đi ở chiều ngược lại đúng phần đường và tốc độ không cao. Trong tình huống vượt ẩu trên cầu vượt như vậy thì bất cứ phương tiện giao thông nào đi ở chiều ngược lại cũng có thể rơi vào tình huống như xe Innova", ông Cường nói.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định quy tắc chung khi tham gia giao thông đường bộ là người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Chiếu với các quy định pháp luật thì hành vi lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, vượt trên cầu của người lái xe máy này là vi phạm pháp luật. Nếu hậu quả được xác định là nghiêm trọng và người lái xe này còn sống thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, ở đây sẽ là trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính. Trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính chỉ không được đặt ra nếu người vi phạm duy nhất đã chết.
Tài xế xe máy đi sai gây tai nạn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ô tô đi đúng.
Luật sư Đặng Văn Cường
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp người có lỗi, gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ tai nạn giao thông mà còn sống thì ngoài trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân là người ngồi sau và phương tiện giao thông khác.
"Trong vụ việc này, nếu lỗi hoàn toàn thuộc về người đàn ông lái xe máy, còn xe ô tô tuân thủ đúng quy tắc tham gia giao thông đường bộ, không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại về tài sản, sức khỏe của hai người đàn ông này.
Ngược lại, nếu xe ô tô có thiệt hại, hư hỏng thì người có lỗi là tài xế xe máy phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật. Về nguyên tắc thì thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời", luật sư cho biết.
Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong quá trình giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, dù hậu quả người gây ra vụ tai nạn đã chết, không xem xét trách nhiệm hình sự hay hành chính thì câu chuyện bồi thường thiệt hại dân sự vẫn có thể xảy ra nếu người có lỗi gây thiệt hại cho người khác có di sản để lại.
"Vụ việc này sẽ là một bài học cảnh tỉnh cho những người coi thường pháp luật, vi phạm luật giao thông đường bộ gây mất an toàn giao thông.
Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm tương tự để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra", luật sư Cường nói.
Bình luận