Ngày 30/1, mạng xã hội chia sẻ sự việc một xe tự chế chở bó sắt dài khoảng hơn 5m gây tai nạn khiến một người đi xe máy bị thương.
Thông tin nêu, tại cổng số 2 Vinhomes Thăng Long "xe lôi chở vật liệu xây dựng vào khu, có thanh sắt dài lòi ra khi cua vào cổng số 2 đã quệt vào người đi xe máy, người đi xe máy bị thương nặng hiện đã đưa đi cấp cứu".
Người đưa thông tin này cũng cảnh báo: "Rất mong cư dân cẩn thận khi tham gia giao thông bởi có những tai nạn khó lường như thế này".
Trước thông tin trên, PV VTC News đã đến hiện trường tìm hiểu vụ việc.
Trả lời VTC News, anh Nguyễn Xuân Hiếu (bảo vệ khu đô thị - người chứng kiến vụ tai nạn) cho biết, vào khoảng 10 giờ ngày 29/1, một chiếc xe tự chế kéo theo những thanh sắt dài chừng hơn 5m dừng đỗ trước cổng khu đô thị. Những thanh sắt kéo dài chiếm một phần đường khiến các phương tiện khác bị một phen khiếp sợ. Sau đó, xe tự chế này va vào một người đi xe máy ngay phía sau.
Vụ va chạm khiến người điều khiển xe máy ngã, bị thương nhẹ, chiếc xe máy bị hư hỏng nặng phần đầu. Sau va chạm, người đàn ông lái xe tự chế đã thừa nhận lỗi sai của mình, xin lỗi và đền bù thiệt hại cho nạn nhân. Sau đó hai chủ xe đều rời khỏi hiện trường.
“Sáng 29/1, trời mưa hạn chế tầm nhìn, chiếc xe tự chế chở cồng kềnh dừng đỗ chiếm một phần đường khiến người đàn ông điều khiển xe máy phía sau va quệt vào. Nhiều người bức xúc khi những chiếc xe như thế này vẫn đang tung hoành trên đường phố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tôi làm việc tại đây nhiều năm, đã chứng kiến nhiều xe tự chế chở hàng cồng kềnh chạy qua đây. Thời điểm cận Tết, những chiếc xe nhưng thế này càng nhiều, khi tham gia giao thông ai nấy cũng đều phải dè chừng, né sát vào lề đường hay thậm chí dừng lại nhường đường cho những chiếc xe như vậy” - anh Nguyễn Xuân Hiếu nói.
Thời gian qua, theo ghi nhận của VTC News, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, mặc dù CSGT đã nhiều lần ra quân, xử lý nhưng tình trạng xe 'máy chém' chở cồng kềnh vẫn tiếp tục tồn tại.
Trả lời VTC News, TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, việc ra quân thường gắn với các sự kiện như thành phố chuẩn bị đón quan khách đến thăm, hoặc vừa xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khiến dư luận "dậy sóng", chứ ít khi là một kế hoạch độc lập. Điều này dẫn đến sau khi ra quân xong thì mọi chuyện lại về như cũ.
Để xử lý dứt điểm vấn đề này, TS Khương Kim Tạo cho rằng cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa từ cơ quan chức năng.
"Lái xe vượt đèn đỏ chúng ta xử lý nộp phạt ngay thì xe tự chế chở hàng cồng kềnh cũng phải thế. CSGT không đủ lực lượng cũng như sân bãi để thu giữ rồi chờ tiền nộp phạt. Nếu không có tiền nộp phạt thì chúng ta thu giữ và đem đi tiêu huỷ ngay", ông Tạo kiến nghị.
TS Khương Kim Tạo cho rằng nhu cầu mưu sinh không đồng nghĩa với việc chính quyền dễ dàng hy sinh trật tự đô thị, an toàn giao thông. Để tình trạng này chấm dứt, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm. Song, bên cạnh việc xử lý mạnh đối với phương tiện vi phạm, theo ông Tạo, cần tính đến các phương án hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp.
Theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, xe tự chế bị cấm lưu thông, người điều khiển xe tự chế bị phạt 800.000 - 1.000.000 đồng.
Người điều khiển phương tiện xe tự chế tham gia giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng.
Trường hợp xe tự chế gây tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì người điều khiển phương tiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt từ 3 - 10 năm tù.
Đối với hành vi chở hàng cồng kềnh, chở hàng vượt quá giới hạn quy định, căn cứ theo điểm k khoản 3 Điều 6 và khoản 2 điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Ngoài ra, tài xế có thể bị tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Bình luận