• Zalo

Bị phạt nhiều lần vẫn bất chấp chạy xe tự chế chở hàng, tài xế nói 'vì mưu sinh'

Tin nhanh 24hThứ Tư, 24/01/2024 19:38:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bị CSGT TP.HCM xử phạt vì dùng xe tự chế, chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông, nhiều tài xế tỏ ra bất chấp, và nói rằng vẫn làm vì "mưu sinh".

Ngày 24/1, Đội CSGT Bình Triệu thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM (PC08) lập chốt kiểm tra xe gắn máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chở hàng cồng kềnh tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP Thủ Đức). 

Khoảng 9h, tổ công tác phát hiện P.N.T. (SN 1985, quê Đồng Tháp) lái xe ba gác chở theo nhiều thanh tôn qua chốt kiểm soát có dấu hiệu vi phạm nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra. 

Quá trình kiểm tra, CSGT xác định T. chở hàng vượt quá giới hạn quy định. Sau đó, tổ công tác đã lập biên bản, xử lý theo quy định. T. cho biết đang trên đường chở hàng đi giao cho khách thì bị kiểm tra. Số tiền nhận được cho việc chở thuê là 300.000 đồng.

T. cho biết chở hàng thuê cho khách trên chiếc xe ba gác với giá 300.000 đồng.

T. cho biết chở hàng thuê cho khách trên chiếc xe ba gác với giá 300.000 đồng.

Dù biết là vi phạm, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông nhưng T. vẫn làm. Lý do mà T. đưa ra rằng: "Không thể không chở vì đâu phải lúc nào cũng có khách thuê mình đâu, cuộc sống mà". 

Ngoài bị lập biên bản xử phạt hành chính, T. buộc phải dỡ số hàng trên khỏi phương tiện, sau đó hàng chuyển sang chiếc xe tải khác để tiếp tục giao cho khách. 

Cũng trong buổi kiểm tra sáng 24/1, CSGT phát hiện ông L.V.H. (SN 1974) lái xe gắn máy kéo theo xe khác mà không có đèn tín hiệu, không có hệ thống báo hãm, không có gương chiếu hậu. Khi kiểm tra, ông H. cũng không xuất trình được giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe. 

Hiện tại, ông H. bán đồ hải sản ở khu vực chợ đầu mối, chiếc xe này do ông mua lại, chế thêm xe kéo phía sau để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa. 

Khi bị CSGT lập biên bản, ông H. tỏ ra bối rối. Ông H. nói trước đây đã nhiều lần bị CSGT xử phạt vì lỗi vi phạm chở hàng cồng kềnh trên xe máy tự chế bằng cách gắn thêm xe kéo vào phía sau. Tuy nhiên, vì ở quê lên TP.HCM làm ăn nên hoàn cảnh khó khăn, chỉ biết mưu sinh bằng cách chạy xe này. 

Khi làm việc cùng lực lượng chức năng, ông H. phân trần hoàn cảnh và cho biết vì cuộc sống khó khăn nên vẫn bất chấp vi phạm. 

Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện của ông H. Với loạt lỗi vi phạm nói trên, CSGT cho biết sẽ cho ông H. thời gian bổ sung giấy tờ. Mức xử phạt hành chính với ông H. là khoảng 1 triệu đồng.

Chiếc xe gắn máy tự chế của ông H không có đèn tín hiệu, không có hệ thống báo hãm, không có gương chiếu hậu.

Chiếc xe gắn máy tự chế của ông H không có đèn tín hiệu, không có hệ thống báo hãm, không có gương chiếu hậu.

Phần đầu của chiếc xe tự chế chỉ còn trơ trọi phần khung cũ nát.

Phần đầu của chiếc xe tự chế chỉ còn trơ trọi phần khung cũ nát.

Theo Công an TP.HCM, trong năm 2023, PC08 đã phát hiện, xử lý 2.604 trường hợp xe ba bánh vi phạm. Đối với xe máy không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn giao thông, phát hiện 19.317 trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh; 3.566 trường hợp không có đèn, còi, thắng; 2.307 trường hợp không có giấy đăng ký xe; 59 trường hợp sử dụng biển số giả.

Vào cao điểm Tết Nguyên đán 2024, lực lượng chức năng vẫn duy trì tổ chức thực hiện và tăng cường quân số để thực hiện chuyên đề xử lý xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật.

Theo đó, lực lượng chức năng sẽ chủ động thực hiện nắm tình hình tại các khu vực chợ truyền thống, khu vực bến xe, kho bãi, cửa hàng vật liệu xây dựng, cửa hàng nước giải khát, các tuyến, khu vực địa bàn giáp ranh phức tạp về trật tự, ATGT liên quan đến hoạt động xe cơ giới ba bánh, xe cũ nát, xe tự chế để bố trí lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm. Rà soát các điểm, các cơ sở sửa chữa, cải tạo xe không đúng quy định để bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý.

Việc ra quân, kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp hợp vi phạm sẽ giúp kéo giảm số lượng các vụ tại nạn giao thông liên quan đến việc chở hàng cồng kềnh, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô.

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 lỗi điều khiển xe không có còi, đèn soi biển số, đèn báo hãm, không gương chiếu hậu…

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe không có giấy đăng ký, không gắn biển số…

Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi lái xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép; điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. 

Lương Ý
Bình luận
vtcnews.vn