• Zalo

Xe buýt TP.HCM điêu đứng vì virus corona

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 08/02/2020 07:27:40 +07:00Google News
(VTC News) -

So với ngày thường và cùng kỳ, lượng khách đi xe buýt trong "tâm bão" virus corona ở TP.HCM giảm mạnh.

Sản lượng giảm mạnh

Ngay sau khi xuất hiện các thông tin về dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona (nCoV) gây ra, dù nhanh chóng, nghiêm túc thực hiện đầy đủ các phương pháp phòng chống dịch bệnh, xe buýt TP.HCM những ngày đầu tháng 2/2020 vẫn trong tình trạng vắng vẻ.

Theo ghi nhận của PV, lượng người đi xe buýt trên hầu hết các tuyến tại TP.HCM giảm đi rất nhiều. Các bãi xe buýt trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Trên xe buýt cũng không còn cảnh hành khách phải đứng hay chen chúc.

Ngày 7/2, PV thực hiện khảo sát tại tuyến xe buýt 36 (Bãi Xe Buýt Thới An‎ → Bến Xe Buýt Sài Gòn) và 103 (Bến xe Chợ Lớn → Bến xe Ngã tư Ga) đều ghi nhận tình trạng trống trải, số lượng không vượt quá 10 lượt khách mỗi trạm.

Từ ngày có thông tin dịch bệnh người ta ít đi hẳn. Lượng khách giảm rõ rệt, tình trạng ngày càng ảm đạm. Chưa kể vừa qua có khuyến cáo người dân hạn chế đi phương tiện công cộng nếu không thực sự cần thiết”, một tài xế xe buýt than thở.

Cùng cảnh ngộ tương tự, các chuyến xe buýt về Làng Đại học Thủ Đức hoặc các trường học tại TP.HCM cũng trong tình trạng “ế” khách vì học sinh, sinh viên được nghỉ học do virus corona.

Xe buýt TP.HCM điêu đứng vì virus corona - 1

Các bến xe buýt ở TP.HCM vắng vẻ, đìu hiu.

Theo báo cáo của Trung tâm quản lý giao thông công cộng, từ 3 - 4/2 có 96 tuyến xe buýt trợ giá hoạt động (các tuyến xe buýt có trợ giá số 50 và 52 tiếp tục ngưng hoạt động đến hết 9/2). Hơn 25.000 chuyến xe được thực hiện, giảm 20% so với số chuyến thực hiện của ngày thường và giảm 16% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, sản lượng vận chuyển xe buýt có trợ giá từ 3 - 4/2 đạt hơn 501.000 lượt hành khách, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 44% so với ngày thường.

Ngày 3/2, Trung tâm chủ động liên hệ để phối hợp doanh nghiệp vận tải về việc giữ nguyên số chuyến hoạt động Tết Nguyên đán năm 2020. Theo đó, Trung tâm đề nghị các doanh nghiệp vận tải hoạt động xe buýt có trợ giá giữ nguyên số chuyến hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán (cụ thể từ 2/2 đến hết 9/2)", đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết.

Được biết, vừa qua, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cũng khuyến cáo người dân cân nhắc trước khi đi lại, không thực hiện các chuyến đi không thực sự cần thiết, đặc biệt không đi đến các khu vực được thông báo có dịch khi chưa có trang bị bảo hộ cần thiết.

Trong trường hợp phải sử dụng phương tiện vận tải công cộng (bao gồm cả taxi), cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân cần thiết, sử dụng khẩu trang y tế trước khi lên phương tiện, đến nhà ga, trạm dừng và các nơi tập trung đông người; tránh tiếp xúc với những người bị ho, sốt; khi ho hoặc hắt hơi cần che bằng khăn giấy, bỏ vào thùng rác kín có nắp đậy và rửa tay sạch ngay sau đó”, Ủy ban ATGT Quốc gia khuyến cáo.

Xe buýt TP.HCM điêu đứng vì virus corona - 2

Sản lượng đi xe buýt giảm đến 44% so với ngày thường.

Tích cực phòng dịch

Ngay sau khi Việt Nam chính thức công bố dịch viêm phổi cấp corona, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trong đó có xe buýt nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm phòng, tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Cụ thể, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Trung tâm) TP.HCM chỉ đạo Phòng Quản lý dịch vụ giao thông công cộng phối hợp Ban Quản lý bến, các doanh nghiệp vận tải thực hiện công tác tuyên truyền đến lái xe, nhân viên phục vụ, hành khách về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Phòng Quản lý Điều hành nắm bắt kịp thời thông tin về các tình huống xảy ra liên quan đến dịch bệnh trên tuyến, có phương án phối hợp với các doanh nghiệp vận tải để xử lý kịp thời; báo cáo sự việc qua số điện thoại đường dây nóng và điều hành phương tiện, số chuyến trên từng tuyến phù hợp, đảm bảo việc đi lại của hành khách.

Xe buýt TP.HCM điêu đứng vì virus corona - 3

Xe buýt vắng khách trong giai đoạn "tâm bão" virus corona.

Ban Quản lý bến tổ chức thực hiện công tác vệ sinh bến bãi, bố trí xà phòng hoặc dung dịch rửa tay tại các nhà vệ sinh công cộng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh của các doanh nghiệp vận tải tại các vị trí đầu, cuối tuyến, các điểm trung chuyển xe buýt.

Các bộ phận trực thuộc Trung tâm phải thường xuyên tổ chức vệ sinh văn phòng làm việc, đảm bảo môi trường làm việc sạch sẽ. Đồng thời, trong phạm vi nhiệm vụ được giao, các bộ phận có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Ban Quản lý bến để tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thực tế trước 8h45 hàng ngày.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn