• Zalo

Xây Văn Miếu 271 tỉ đồng ở Vĩnh Phúc: Quá lãng phí!

Thời sựThứ Hai, 08/06/2015 05:14:00 +07:00Google News

Dự án xây dựng Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc với tổng số vốn đầu tư gần 271 tỉ đồng đang khiến nhiều người băn khoăn.

Dự án xây dựng Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc với tổng số vốn đầu tư gần 271 tỉ đồng đang khiến nhiều người băn khoăn.

Đó là công trình đồ sộ, rộng hơn 42.000m2, được khởi công xây dựng từ năm 2012 tại khu gò Cháo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, đến nay đã gần hoàn thiện, đi vào hoạt động.

Toàn bộ nguồn vốn để thực hiện dự án là từ ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc, theo khẳng định của ông Trần Mạnh Định - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc (dù trong tờ trình gửi UBND tỉnh có ghi chủ đầu tư sẽ huy động thêm các nguồn vốn khác).

Nhà bái đường trong khu Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc với các cột làm bằng gỗ sơn son thếp vàng - Ảnh: V.V.Tuân 

Xây mới hoàn toàn

Trong tờ trình của Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10-2011 về việc đề nghị phê duyệt dự án xây dựng công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: “Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn miếu”.

 

Một địa phương mà trích ngân sách vài trăm tỉ đồng để xây Văn Miếu trong điều kiện chung đất nước còn khó khăn là lãng phí quá. Dù có huy động vốn xã hội hóa cũng không nên xây dựng Văn miếu một cách “bày vẽ” hoành tráng.
GS Ngô Đức Thịnh
 
Vì vậy, đầu tư xây dựng Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc nhằm tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của nhân dân trong tỉnh.


Để chuẩn bị cho sự ra đời hoạt động của Văn Miếu tỉnh, tháng 
10-2013 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định thành lập Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, lấy địa chỉ là công trình Văn Miếu đang xây dựng hiện nay. Đồng thời một website Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc cũng ra đời ở địa chỉ: vanmieuvinhphuc.vn.

Theo thông tin từ Trung tâm văn hóa khoa học Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài chức năng thờ tự, Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục như: bảo tàng văn hiến, hội nghị học thuật, tham quan, tuyên dương học sinh giỏi, tổ chức lễ báo công...

Thông tin từ trung tâm cũng cho hay đây là công trình văn hóa trọng điểm của tỉnh chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được đầu tư xây dựng hoàn toàn mới với mục đích khôi phục Văn Miếu tỉnh trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử Văn Miếu xưa của phủ Tam Đới đã từng tồn tại cách nay khoảng 300 năm tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Hội thảo bàn chuyện thờ Khổng Tử


Xung quanh việc có đưa bài vị thờ Khổng Tử vào Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc hay không, hiện tại vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận.

Dù trong nội dung các hạng mục công trình xây dựng Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc có xây điện thờ Khổng Tử, nhưng ông Trần Mạnh Định cho biết hiện tại địa phương vẫn chưa quyết định có đưa bài vị Khổng Tử vào thờ trong Văn Miếu hay không.

“Vừa rồi chúng tôi mới tổ chức được hội thảo lần thứ nhất nhưng vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về việc có đưa bài vị thờ Khổng Tử vào Văn Miếu hay không, nên chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo, tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa. Khi các nhà khoa học đã thống nhất ý kiến, Sở VH-TT&DL sẽ báo cáo UBND tỉnh đưa ra quyết định cuối cùng” - ông Định giải thích.

GS Ngô Đức Thịnh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam - cho rằng vì Khổng Tử là người có đóng góp trong việc khuyến học ở các nước Đông Á nên không chỉ ở VN mà nhiều nước khác trong khu vực cũng có miếu thờ Khổng Tử như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ngày xưa, các “làng khoa bảng” ở nước ta đều xây miếu thờ Khổng Tử, hay còn gọi là Văn Miếu, nhằm mục đích khuyến học ở địa phương. Nhưng đến thời kỳ chúng ta chống phong kiến, chống mê tín dị đoan, hệ thống Văn miếu này đều bị tàn phá.

Trong hệ thống đình, đền, chùa ở các làng xưa kia thì Văn Miếu bị phá sớm nhất và bị phá triệt để nhất. “Hiện nay một số địa phương nước ta đang có xu hướng xây dựng lại Văn Miếu thờ Khổng Tử và các vị khoa bảng ở địa phương. Nhưng xây ở đâu, xây như thế nào?

Ta có thể xây rất đẹp, trang nghiêm, nhưng không nên dùng số tiền lớn như vậy. Nếu nơi nào mà họ huy động được vốn xã hội hóa, xây dựng lại được Văn Miếu với quy mô hợp lý thì ít nhiều vẫn có tác dụng khuyến học, dù bây giờ chế độ học hành đã khác xưa” - GS Ngô Đức Thịnh nêu quan điểm.

Ông cũng cho rằng Văn Miếu vốn là nơi thờ Khổng Tử, nhưng cần phải đưa vào đó những nhà Nho tiêu biểu của Việt Nam như Trần Nhân Tông, Chu Văn An...

TS Nguyễn Quốc Tuấn - viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) - cũng cho rằng việc chi tiền ngân sách xây Văn Miếu vài trăm tỉ để thờ Khổng Tử là không hợp lý.

“Dù Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc thờ ai đi chăng nữa cũng không có lý do gì chi một số tiền ngân sách để xây một công trình lớn như thế.

Đây là việc làm rất lãng phí tiền của. Kể cả khi không dùng tiền ngân sách, cũng không nên xây một công trình Văn Miếu khi trong lịch sử không có cơ sở để xây dựng” - TS Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định.
Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm hàng chục hạng mục công trình lớn như: tứ trụ bằng đá xanh Thanh Hóa nguyên khối trang trí hoa văn phượng, nghê, hổ phù; cầu đá bằng đá khối xanh tự nhiên; Văn miếu môn gồm một cổng chính và hai cổng phụ; hồ Thiên Quang; bia tiến sĩ gồm chín gian là nơi đặt 18 tấm bia phục chế trên lưng rùa khắc tên 91 vị đỗ đại khoa của tỉnh Vĩnh Phúc từ thời Lý đến thời Nguyễn; sân hành lễ rộng gần 3.000m2; khu thờ chính bao gồm hai tầng: tầng một là nhà trưng bày, tầng hai - chính điện là nơi thờ Khổng Tử và tám vị đỗ hàng đại khoa đại diện cho tám địa phương của tỉnh...

Nguồn: Tuổi trẻ
Bình luận
vtcnews.vn