• Zalo

Xây dựng đập Tam Hiệp: Hàng loạt tai tiếng tham ô, chất lượng công trình kém

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 27/06/2020 11:50:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong suốt quá trình xây dựng, dự án xây dựng đập Tam Hiệp đi kèm với hàng loạt các tai tiếng về tham nhũng, rút lõi công trình.

Nhiều tai tiếng trong quá trình xây dựng

Đập Tam Hiệp nằm trên sông Trường Giang (Dương Tử), phía Tây thành phố Nghi Xương thuộc địa phận tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Công trình khởi công năm 1994 và hoàn thành thân đập vào năm 2006. Với các thông số choáng ngợp như dài 2.335m, cao 185m, cấu thành từ 28 triệu m3 bê tông và 463.000 tấn thép, Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới. 

Năm 1920, Trung Quốc manh nha lên ý tưởng xây dựng con đập này nhưng do nhiều lý do phải tới tận năm 1994, công trình này mới động thổ. Trong suốt quá trình thi công kéo dài 12 năm, hàng loạt các bê bối về rút lõi công trình, đội vốn xảy ra khiến con đập cho tới nay vẫn gắn với không ít tai tiếng. 

 Xây dựng đập Tam Hiệp: Hàng loạt tai tiếng tham ô, chất lượng công trình kém - 1

Con đập lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa lũ năm nay. 

Cuối năm 1998, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ trong chuyến kiểm tra công trình này khẳng định bất cứ sự bất cẩn nào trong việc xây dựng có thể sẽ mang tới thảm họa cho các thế hệ tương lai và gây ra các tổn thất không thể khắc phục.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, các lo ngại về con đập bắt đầu xuất hiện khi một cây cầu ở thượng nguồn con đập bị sập. Nguyên nhân khi đó được cho là do nhà thầu đã rút bớt vật liệu xây cầu bỏ túi riêng. Nhà thầu này trước đó đã đút lót các quan chức để giành được hợp đồng béo bở. 

Một quan chức địa phương sau đó bị bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ 100.000 NDT từ nhà thầu này.

Truyền thông Trung Quốc khi đó công bố sơ đồ xây dựng cho thấy hệ thống treo của cây cầu này có vấn đề, tạo ra các đứt gãy nguy hiểm. Người dân địa phương cho biết họ đã biết về cấu trúc yếu kém của cây cầu, cũng đã đưa ra cảnh báo nhưng bị phớt lờ.

Tham ô và xây dựng kém chất lượng 

Hồi tháng 1/1999, giới chức Trung Quốc thừa nhận có khoảng 100 trường hợp tham nhũng, hối lộ có liên quan tới siêu dự án này được phát hiện vào năm 1998. Hàng chục quan chức đã biển thủ quỹ dành cho dự án tái định cư cho các cư dân phải di dời.

China Daily, tờ báo tiếng Anh của Trung Quốc khi đó cũng khẳng định dự án xây dựng con đập kéo dài hơn 1 thập kỷ này là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp xây dựng. Nhưng nó cũng trở thành một thách thức đối với các cơ quan giám sát.

Theo đó, trong quá trình thi công đập Tam Hiệp, có khoảng 20 cây cầu sau khi hoàn thành xuất hiện các vết nứt đáng kể. Ít nhất 5 trong số này bị phá hủy và phải xây lại. 

 Xây dựng đập Tam Hiệp: Hàng loạt tai tiếng tham ô, chất lượng công trình kém - 2

Nước lũ được xả ra từ đập tràn của đập Tam Hiệp. (Ảnh: Getty Images)

“Không phải các công việc hoàn thành đều có chất lượng hàng đầu và một vài khiếm khuyết đã được báo cáo”, Wang Jiazhu, Phó chủ tịch của Tập đoàn Phát triển Dự án đập Tam Hiệp từng thừa nhận. Các khiếm khuyết này bao gồm chất lượng xi măng kém và một số cấu trúc ở hệ thống khóa nước không đạt tiêu chuẩn.

Trước các vụ tai tiếng liên tục, cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đã hết sức tức giận. Ông thậm chí còn mô tả một số cây cầu và cơ sở hạ tầng liên quan tới con đập này không khác gì “bã đậu” và yêu cầu hủy bỏ ngay việc xây dựng chúng.

Ông đồng thời chỉ trích gay gắt các công ty xây dựng kém chất lượng, thông báo rằng các quan chức có "một núi trách nhiệm trên đầu họ".

Trong nửa năm 2000, 53 kỹ sư và học giả cao cấp của Trung Quốc 2 lần gửi đơn kiến nghị với Chủ tịch Giang Trạch Dân, khẳng định rằng siêu dự án xây dựng đập Tam Hiệp đang gặp một số vấn đề kỹ thuật và kinh tế.

Trong đơn kiến nghị, họ bày tỏ bức xúc về việc các quan chức của dự án đã âm thầm thay đổi kế hoạch vận hành ban đầu của con đập là làm đầy hồ chứa nước sau 6 năm thay vì không phải 10 năm, nhấn mạnh việc này sẽ làm chặn tuyến hàng hải tại sông Dương Tử vì làm tăng lượng phù sa tại cảng Trùng Khánh.

Bất chấp cảnh báo đó, công trình vẫn tiếp tục được xây dựng. Đi kèm sau đó là hàng loạt các bê bối. 

Vào tháng 1/2000, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin các kiểm toán viên nhà nước dính líu tới một đường dây tham ô trị giá tới 17 triệu USD đã chuyển tiền từ các quỹ tái định cư của dự án này vào túi riêng. Một trong số đó bị tử hình.

Cùng tháng đó, lãnh đạo nhà thầu phụ lớn nhất của dự án bị buộc tội biển thủ 24 triệu USD bằng cách nhập hàng trăm xe tải, máy ủi, máy xúc và xe tải đã qua sử dụng thay vì xe mới.

Nghiêm trọng nhất, một tờ báo Hong Kong đưa tin Chủ tịch tập đoàn phát triển kinh tế Tam Hiệp - công ty liên quan tới việc xây dựng con đập đã biến mất cùng với 120 triệu USD từ các khoản vay có liên quan đến dự án.

 Xây dựng đập Tam Hiệp: Hàng loạt tai tiếng tham ô, chất lượng công trình kém - 3

Ảnh con đập biến dạng lan truyền trên mạng Trung Quốc năm 2019. 

Chất lượng của con đập trong nhiều năm qua vẫn bị đặt dấu hỏi và làm dấy lên các nỗi lo rằng nó có thể bị sụp đổ nếu mưa lũ kéo dài ở khu vực phía Nam Trung Quốc. 

Mới đây, chuyên gia thuỷ văn người Đức gốc Hoa Wang Weiluo tiếp tục bày tỏ lo ngại về các vết nứt và và chất lượng bê tông không đạt tiêu chuẩn được phát hiện trong quá trình xây dựng đập Tam Hiệp. 

Ông Wang cảnh báo sự cố vỡ đập nếu xảy ra sẽ gây hậu quả thảm khốc cho những người sống ở vùng hạ lưu sông Dương Tử và kêu gọi giới chức sơ tán họ càng sớm càng tốt. 

Tuy nhiên, ông Wang từ chối bình luận về hình ảnh vệ tinh của Google lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy độ biến dạng của cấu trúc đập vào năm 2019. 

Truyền thông Trung Quốc vào thời điểm đó khẳng định biến dạng của con đập của một phần của thiết kế và nó nằm trong phạm vi biến đổi cho phép. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây là hệ quả từ việc xây dựng con đập kém chất lượng. 

Song Hy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn