• Zalo

Xăng giảm liên tiếp 7 lần, vì sao cước vận tải chưa giảm?

Kinh tếThứ Hai, 20/10/2014 07:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - Giá xăng dầu đã giảm liên tiếp 7 lần với tổng mức giảm lên tới hơn 2.500 đồng, nhưng hiện cước vận tải vẫn chưa chịu giảm theo.

(VTC News) - Giá xăng dầu đã giảm liên tiếp 7 lần với tổng mức giảm lên tới hơn 2.500 đồng, nhưng hiện cước vận tải vẫn chưa chịu giảm theo.

Chị Nguyễn Thị Hiền (Đống Đa, Hà Nội) than thở, hiện giá xăng đã giảm liên tiếp, nhưng không hiểu sao giá cước vận tải vẫn không hề giảm.

giá xăng, cước vận tải, giảm giá, Bộ Công thương
Xăng giảm liên tiếp 7 lần, cước vận tải vẫn làm ngơ. Ảnh: website Bộ Công thương 
"Lúc xăng tăng giá thì cước vận tải tăng ngay lập tức. Các loại hàng hóa khác cũng "ăn theo" tăng giá, nhưng lúc giảm thì không mặt hàng nào chịu giảm", chị Hiền bức xúc nói.


Trong khi đó, lý giải việc chưa giảm giá cước vận tải, anh Thành - lái xe một hãng taxi ở Hà Nội cho rằng, việc giảm giá xăng này không "thấm" với đâu với các hàng loạt các chi phí vận tải mà các hãng xe đang phải
"gánh".

Cụ thể, theo anh Thành, trước kia lái taxi cả năm cũng chỉ hết có vài trăm nghìn tiền phí cầu đường và khách đi đường phải trả khoản phí này. Nhưng bây giờ mỗi tháng tiền phí đi đường cũng ngót gần 200.000 đồng. Vì vậy, giá xăng giảm không đáng là bao so với các chi phí này.

Còn theo anh Minh - một lái xe tải thì so với các chi phí "ngầm" và chi phí "làm luật" khi đi qua các trạm cân thì giá xăng giảm không thấm vào đâu. Theo anh Minh những chi phí này được tính bằng tiền trăm, tiền triệu, chứ không tính bằng vài chục nghìn.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, trả lời trên website của Bộ Công thương, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, dù giá xăng đã 7 lần giảm giá liên tục, nhưng hiện nay, xăng, dầu cũng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính toán chỉ số CPI.

Chính vì thế, xăng, dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến hàng hoá trên thị trường, dù nhìn vào thực tế, xăng, dầu sẽ tác động đến dịch vụ hàng hoá, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO.

Cũng theo ông Võ Văn Quyền, phải khẳng định, ngoài những mặt hàng như xăng, điện hiện nay vẫn do Nhà nước định giá và giám sát theo hướng, tăng, giảm phải có ý kiến của Liên bộ, thì hiện nay hầu hết các sản phẩm hàng hoá trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tăng, giảm giá phải phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường.

Chúng ta không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống. Cơ chế thị trường là bàn tay vô hình mà ở đó cạnh tranh tạo ra bức tranh thị trường. Khi có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm thì bắt buộc cần tăng sẽ tăng, phải giảm ắt sẽ giảm. Ngoài ra, một loạt các vấn đề khác cũng tác động không nhỏ đến thị trường như: hàng tồn kho, các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng, lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi... Tất cả những yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hoá biến động theo chiều hướng tăng.

Còn theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội, với taxi là loại phương tiện nhạy cảm, thường khi giá xăng dầu tăng ở mức khoảng 7% thì các hãng mới tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng dầu giảm thì việc giảm giá cước lại rất cầm chừng, đặc biệt là ở các hãng taxi lớn.

Từ đầu năm đến nay, do mức tăng giá của những lần điều chỉnh không cao, nên không tác động đến giá cả của các hãng taxi. Còn với tuyến cố định liên tỉnh, gần như các hãng vận tải của Hà Nội từ năm ngoái đến nay không tăng giá bởi muốn tăng giá các hãng vận tải cũng phải làm rất nhiều thủ tục nên họ rất thận trọng. Xuất phát từ thực tế đó, ông Bùi Danh Liên cho rằng, lần điều chỉnh giá xăng, dầu lần này sẽ không tác động nhiều đến giá cả của hoạt động vận tải trên địa bàn.

Ông Bùi Danh Liên nhận định, việc giảm giá lần này sẽ không tác động đến giá cả hàng hóa nói chung trên thị trường, vì trong yếu tố cấu thành giá của hàng hóa trên cơ sở giá vận tải là rất nhỏ. Bên cạnh đó, trong hoạt động vận tải, xăng dầu chỉ chiếm khoảng 40% yếu tố chi phí, cho nên việc tăng giảm giá xăng dầu có ảnh hưởng không đang kể.

Trong khi đó, thời gian qua các yếu tố về ảnh hướng đến giá cũng đang tăng lên, như bảo hiểm, kiểm tra sức khỏe định kỳ lái xe; các loại phí; lương cho cán bộ nhân viên,… Vì vậy không thể đơn độc điều chỉnh giá cả vận tải xuống khi xăng dầu điều chỉnh xuống.

Dưới góc độ của doanh nghiệp vận tải, ông Hồ Quốc Phi, Chánh Văn phòng Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh cho rằng, giá xăng tăng nhiều, giảm ít, nên các doanh nghiệp vận tải phải tính toán hết sức thận trọng, vì mỗi lần điều chỉnh sẽ rất tốn kém và phức tạp, do phải cài lại đồng hồ tính cước.

"Việc cài lại đồng hồ rất phức tạp vì doanh nghiệp không tự làm được mà phải thông qua một cơ quan kiểm định độc lập của nhà nước để họ điều chỉnh lại đồng hồ", ông Hồ Quốc Phi cho hay.

Mai Linh hiện có 12.000 xe, vì thế việc cài đặt lại đồng hồ rất phức tạp.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn