Góp tiền học bổng để ăn uống, hát hò, và quan trọng là cả lớp xích lại gần nhau hơn, đó quả là những kỷ niệm đáng nhớ của thời sinh viên.
Hải Đăng (Học viện Báo chí) chia sẻ rằng “truyền thống” của lớp bạn ý là mỗi lần cuối kỳ học, các bạn đạt được học bổng sẽ “dưa góp” một phần, quỹ lớp trích một phần để lớp có một buổi liên hoan nho nhỏ. Ăn uống, hát hò thì vui nổ trời, và quan trọng là cả lớp xích lại gần nhau hơn, đó quả là những kỷ niệm đáng nhớ của thời sinh viên.
Còn Lê Trang (ĐH Thương mại) thì thường khao học bổng với nhóm bạn thân hồi cấp 3. “Mỗi đứa học một trường nên cuối kỳ, nhận học bổng là dịp chúng tớ gặp nhau, và tình bạn thân chẳng bị xa cách mà phai nhòa.” vì có bữa ăn chén chè chỉ đường dẫn lối - Trang hồ hởi khoe.
Tự thưởng cho mình
Quãng đời SV có lẽ là đẹp nhất với nhiều người
Các bạn nữ hay có suy nghĩ tự thưởng cho mình sau những nỗ lực. Tâm lý hay đó khiến các đôi chân của nàng lại rong chơi, lượn lờ các shop để chọn những chiếc váy điệu đà, đôi giày búp bê xinh xinh kèm theo để trông không bị… “tàn phai” nhan sắc.
Đầu tư mua đĩa, tay cầm game hay… quả bóng da mới là cách mà nhiều bạn nam chọn lựa. “Học chăm thì cũng phải đầu tư cho chơi để tinh thần thoải mái, có hứng để… học tiếp chứ.”, Việt Anh (ĐH Giao thông vận tải) cười tươi khi được hỏi về việc tiêu xài học bổng của bản thân.
Hướng về ...gia đình
Đi học xa nhà, báo cho bố mẹ biết tin mình được học bổng, bố mẹ rất vui và tự hào rồi. Các phụ huynh thấy yên lòng hơn vì con cái dù ở nơi đất khách, nhộn nhịp ồn ào vẫn chăm chú học tập.
Không ít sinh viên nhận được học bổng vì thế... lo kiếm quà cho… cả nhà. Chiếc khăn quàng cho mùa đông của mẹ ấm hơn, đôi găng tay cho ông anh chạy xe đỡ lạnh, cuốn sổ tay xinh xắn cho nhóc em; những món quà bé nhỏ đôi khi cũng khiến người thân thêm tự hào, gắn bó. Có điều, phải liệu cơm gắp mắm nhá các bồ!
Minh Duyên (Học viện Tài chính) tâm sự: “Mỗi lần lấy học bổng, tớ về quê, đi chợ thật sớm rồi đạo diễn một bữa ăn thịnh soạn. Cả nhà tớ ai cũng vui, nhất là bố mẹ tớ, tự hào và yên tâm khi tớ học xa nhưng vẫn cố gắng, không chểnh mảng.”
Chăm chỉ cày bừa
Học kỳ nào cũng đạt học bổng nhưng Thúy Hằng (ĐH Khoa học xã hội nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) chưa bao giờ được cầm. Gia đình đông anh em, Hằng phải tự lập. Học bổng bằng với học phí của mỗi kỳ, Hằng dành khoản tiền đó cho học phí của kỳ học tiếp theo.
"Mỗi lần lên phòng tài vụ nhận học bổng, bạn chuyển sang đóng học phí luôn, thứ cầm về là hai cái biên lai, chứ không phải tiền! Nhiều lần suy nghĩ, cũng thấy tủi thân vì bạn bè được diện quần áo mới này nọ, mình thì..." - Hằng thủ thỉ.
Cũng là đầu tư cho việc học, nhiều sinh viên khác dùng học bổng để trang trải việc học ngoại ngữ. Các bạn ý nộp học phí, mua sách, đĩa để học tiếng Anh, Nhật, Trung… hay đi học thêm lớp kỹ năng mềm.
Sinh viên là thế đó, kiếm tiền và xài tiền cũng lo toan đủ thứ, chứ chẳng chơi!
Theo IOne
Bình luận