• Zalo

Xác minh tài sản quan chức: Cục trưởng Chống tham nhũng nói gì?

Thời sựThứ Bảy, 08/03/2014 09:36:00 +07:00Google News

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho rằng, việc xác minh tài sản cũng không phân biệt giữa người đương chức và người đã nghỉ hưu.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt trao đổi với Tiền Phong về biện pháp kê khai và công khai tài sản. Ông Đạt cho rằng, việc xác minh tài sản cũng không phân biệt giữa người đương chức và người đã nghỉ hưu.

Công khai tại cơ quan, đơn vị

 
 Ông Phạm Trọng Đạt
- Dư luận băn khoăn việc kê khai và công khai tài sản còn hình thức, ý kiến của ông ra sao?

Kê khai minh bạch, công khai tài sản đó là một trong các giải pháp để phòng chống tham nhũng. Một số ý kiến cho rằng việc này còn hình thức, nhưng tôi nghĩ đây là một trong các biện pháp rất cụ thể, giúp phòng ngừa tham nhũng dần tốt hơn. Trong Nghị định 78 và Thông tư 08 đã quy định rõ các hình thức công khai bản kê khai tài sản. Đó là công khai tại cuộc họp hoặc niêm yết tại cơ quan, đơn vị người có nghĩa vụ kê khai. 

Như vậy là chỉ công khai đối với những người cần công khai, đó là những người có điều kiện giám sát được, bởi vì họ làm việc cùng nhau. Việc công khai bản kê khai tài sản đối với toàn xã hội là không thực tế. 

Ví như tôi làm việc ở Thanh tra Chính phủ thì công khai tại cơ quan mình. Trường hợp công khai trên báo chí, xã hội thì những người tận phía Nam làm sao biết được tôi, tài sản của tôi ra sao mà giám sát. 

Thực tế chỉ có những cán bộ, công chức, đồng nghiệp làm cùng tôi thì họ có điều kiện giám sát và phát hiện được việc kê khai của tôi có đúng hay không. Còn đưa bản kê khai ra toàn xã hội thì mục đích giám sát là không thực tế, không thể hiện đúng bản chất của giải pháp này. Tôi cho rằng đây là giải pháp rất tốt, nhưng phải làm đúng pháp luật.

- Thưa ông, Nghị quyết Trung ương đã đặt ra yêu cầu công khai tài sản, thu nhập cả ở nơi cư trú, phải chăng hiện nay điều kiện chưa chín muồi để thể chế hóa quy định này?

Bây giờ cho rằng chín muồi hay chưa chín muồi là việc chúng ta nên tính. Nghị quyết Trung ương yêu cầu công khai, minh bạch về nơi cư trú là rất đúng, vì không có gì là trong phạm vi bí mật cả. Đây là chủ trương phải cương quyết thực hiện, nhưng phải tính toán lộ trình, bước đi phù hợp và đảm bảo tính khả thi. Mục đích của chúng ta khi công khai là trong sáng và tốt nhưng nếu không phù hợp thực tiễn, không khả thi thì có thể trở thành hình thức.

Sử dụng tài sản của con cũng phải kê khai

- Một số ý kiến cũng đề xuất buộc kê khai tài sản của con đã thành niên của quan chức, ông nghĩ sao? 

Đúng là có ý kiến băn khoăn tại sao không buộc kê khai tài sản, thu nhập của người thân, con thành viên của người thuộc diện kê khai. Tuy nhiên, điều này còn liên quan đến quyền sở hữu tài sản, bí mật đời tư của cá nhân người đủ tuổi trưởng thành. Điểm mới của Nghị định 78 là nếu cán bộ sử dụng tài sản của con đã thành niên trong thời gian 6 tháng trở lên thì cũng phải kê khai. Ví dụ, cái nhà, ô tô của con trên 18 tuổi, nhưng cán bộ đó đang sử dụng thì tài sản đó mặc dù không thuộc sở hữu nhưng cũng trong diện phải kê khai. Nghị định 78 đã mở thêm diện tài sản phải kê khai.

- Đối với việc xác minh tài sản hiện nay có phân biệt cán bộ đương chức hay về hưu hay không?

Quy định hiện hành là không phân biệt việc này. Pháp luật đã quy định rất rõ thẩm quyền và những trường hợp phải yêu cầu xác minh tài sản.

- Thanh tra Chính phủ được giao xây dựng Đề án “Cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”, lộ trình triển khai ra sao, thưa ông?

Hiện nay mới dừng ở đề án xin ý kiến Chính phủ. Muốn trở thành quy định thì phải tiến tới luật hóa những quy định khả thi trong đề án. Đúng là việc kiểm soát thu nhập là không dễ. Đã có nhiều trường hợp hỏi tôi nếu cán bộ chuyển tiền cho con cái đi du học, mua đất, tài sản lớn bằng tiền mặt thì quản lí thế nào. 

Thực tế nếu cả xã hội đều tiêu tiền mặt thì không thể quản lí được. Bây giờ đồng tiền trôi nổi, việc tặng, nhận quà là rất khó kiểm soát. Do vậy, muốn thực hiện tốt quy định kiểm soát tài sản thì phải tính toán việc chi tiêu qua tài khoản ngân hàng. Vậy trong điều kiện Việt Nam hiện nay đã thực hiện đồng bộ được chưa? Cái này cần nghiên cứu để có giải pháp mang tính khả thi, thực tiễn.

Phải tạo ra “3 không”

- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng từng đặt câu hỏi “Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?”, ông nghĩ sao về câu hỏi này?

Chủ tịch QH đã phát biểu về chống tham nhũng rất đúng và rất thực tế. Tôi cho rằng chống tham nhũng trước hết anh hãy chống trong chính mình. Cán bộ chống tham nhũng phải là người có bản lĩnh, mình phải không tham nhũng, giáo dục người thân của mình không tham nhũng thì mới thực thi được nhiệm vụ. 

Chống tham nhũng không phải dễ dàng bởi đối tượng tham nhũng là những người có chức, có quyền, rất tinh vi. Ngoài ra cơ chế phải tạo ra 3 không: Không thể tham nhũng, không phải tham nhũng và không dám tham nhũng. Thực tế là không có vùng cấm. Quan điểm của tôi rõ ràng rằng, muốn chống tham nhũng thì cũng phải chống trong đội ngũ làm công tác này. Cán bộ làm công tác chống tham nhũng phải là những người vừa hồng vừa chuyên, không phải anh có đặc quyền riêng là muốn làm gì thì làm.

- Vừa qua có dư luận về kê khai tài sản của nguyên lãnh đạo và lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, ý kiến của ông ra sao?

Thẩm quyền xem xét vấn đề này đã được quy định trong các văn bản pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập.
Vừa rồi báo chí có những phản ánh thì với chức năng là cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng chúng tôi lắng nghe, ghi nhận dư luận để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền. Ngược lại, tôi cũng mong rằng thông tin phải hết sức khách quan, chân thật và xây dựng giúp cho công tác phòng chống tham nhũng tốt hơn.
Bình luận
vtcnews.vn