Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ - NASA vừa công bố phát hiện ra hệ Mặt trời mới TRAPPIST-1 có 7 hành tinh với kích thước tương đương Trái đất vào ngày 22/2, trong đó có 3 hành tinh có thể phát triển sự sống vì họ tin rằng các hành tinh này tồn tại đại dương lớn và có điều kiện sống phù hợp với con người.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xác định xem liệu có sự sống ở hệ Mặt Trời này hay không, nhưng câu hỏi đặt ra là họ làm việc đó bằng cách nào?
Đầu tiên, các nhà khoa học dự tính sẽ nghiên cứu không khí trên những hành tinh này bằng cách sử dụng Kính viễn vọng không gian Hubble.
Amaury Triaud, đồng tác giả của nghiên cứu về hệ Mặt Trời TRAPPIST-1, phát biểu tại cuộc họp báo: "Chúng tôi không biết sự sống trên những hành tinh đó xuất phát từ đâu và như thế nào. Nếu sự sống bắt đầu từ nước, chúng tôi sẽ dễ dàng nhận biết hơn. Nhưng nếu sự sống hình thành từ những nơi khác như trong lớp không khí mà con người không thể tồn tại thì sẽ khó khăn hơn".
"Chúng tôi chỉ có thể nghiên cứu về những sự sống có nguồn gốc từ carbon, sự sống mà nước là điều kiện thiết yếu để tồn tại. Vì vậy, việc chúng tôi làm đầu tiên là tìm kiếm các chất khí có thể xác định được trên hành tinh. Đó là cách chúng tôi tìm kiếm dấu hiệu của những sự sống", Amaury Triaud cho biết thêm.
Video: NASA công bố phát hiện hệ Mặt trời mới
Tuy nhiên, Giáo sư Seager, thuộc Viện công nghệ Massachusetts cho biết: "Dù làm được điều đó thì việc tìm kiếm sự sống không chỉ đơn giản chỉ có vậy. Chúng ta có thể phát hiện hành tinh nằm trong vùng có bầu không khí giàu oxy nhưng cũng không có nghĩa rằng nơi đó có sự sống sinh học.
Một hành tinh có nhiều nước và nhận được nhiều bức xạ hồng ngoại có thể khiến các phân tử nước tách ra, tạo nên các phân tử oxy trong khí quyển. Chúng tôi không biết liệu có hay không một hành tinh vẫn có sự sống mà không cần đến oxy. Nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét các loại khí khác nữa".
Theo Michaël Gillon, tác giả chính của nghiên cứu, công việc không đơn giản chỉ là tìm kiếm oxy, methane hay carbon dioxide mà là sự kết hợp giữa chúng. Chỉ Oxy thôi thì không thể đủ điều kiện tạo nên sự sống. Có nhiều sách viễn tưởng viết rằng chỉ cần tìm thấy Oxy tức là tìm thấy sự sống. Điều đó là không đúng.
Trong khi con người vẫn đi tìm sự sống ở những nơi xa xôi, cách hàng chục năm ánh sáng thì việc làm cách nào con người có khả năng đi đến đó vẫn là câu hỏi lớn.
Công cuộc tìm kiếm sự sống ở hệ Mặt Trời xa xôi kia có thể mang lại những dấu hiệu tích cực, nhưng việc tìm kiếm sự sống trong hệ Mặt Trời của chúng ta còn chưa khám phát hết.
Ngoài những hành tinh kề cận như sao Hoả hay sao Thổ, thì nơi có thể tồn tại sự sống còn là các mặt trăng của một số hành tinh trong hệ Mặt Trời.
Có thể kể đến Mặt Trăng Enceladus của Sao Thổ. Các nhà khoa học tìm thấy có hơi nước phun ra từ cực Nam của nó. Gần đây còn phát hiện thêm các chất hữu cơ cũng như carbon dioxide và muối.
Trước Enceladus, các nhà khoa học cũng phát hiện có nước dưới bề mặt của mặt trăng Europa của Sao Mộc. Các nhà khoa học tin rằng cả hai mặt trăng này đều có khả năng nuôi dưỡng môi trường sống cho các vi khuẩn ngoài Trái Đất.
Ngoài ra, mặt trăng lớn nhất của sao Thổ (Titan) cũng là một trong số các ứng viên sáng giá mà các nhà khoa hoa học đặt nhiều hi vọng. Các nhà nghiên cứu cho biết, trên bề mặt của Titan có nhiều hóa chất thích hợp cho sự khởi đầu của sự sống, dù cho tại đây thiếu một yếu tố rất quan trọng là nước.
Bình luận