• Zalo

Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt, ngư dân vẫn can trường bám đảo Hoàng Sa

Thời sựThứ Hai, 06/05/2019 13:06:00 +07:00Google News

Suốt 2 thập kỷ bị Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt, ngư dân Quảng Ngãi vẫn can trường bám đảo Hoàng Sa – “Bãi Cát Vàng” thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm ngang nhiên tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông - nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Hoàng Sa – phần “máu thịt”  không thể tách rời

Mới đây, Trung Quốc lại một lần nữa ngang nhiên đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, bắt đầu từ 12h ngày 1/5 đến 16/8.

Như thường lệ, phạm vi khu vực biển thực thi lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc có quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trước hành động ngang ngược này từ phía Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) không lấy làm lạ.

Anh-Hoang-Sa (5) 5

 Mặc dù bị Trung Quốc ban hành lệnh cấm, thế nhưng các ngư dân Quảng Ngãi vẫn can trường bám đảo Hoàng Sa để đánh bắt.  

Việc Trung Quốc tự ban hành lệnh cấm lặp đi lặp lại chẳng khác nào chu kỳ. Tuần hoàn từ năm này qua năm nọ và dai dẳng suốt 20 năm dài dằng dặc.

“Mặc dù họ (Trung Quốc) cấm nhưng bà con ngư dân vẫn can trường bám đảo Hoàng Sa như một phần máu thịt không thể tách rời.

Bằng chứng là tự bao đời qua, ngư dân Quảng Ngãi nói riêng vẫn kiếm cơm ở quần đảo còn có tên gọi khác là Bãi Cát Vàng”, ông Hùng quả quyết.

Vậy nhưng, những ngày đầu tháng 5, “sóng gió” dường như bắt đầu nổi lên ở phía Hoàng Sa. Sóng gió ấy không đến từ tiết trời mà bởi hành động được cụ thể hóa từ lệnh cấm ngang ngược của Trung Quốc.

Ông Hùng chia sẻ, trong 2 ngày qua, hàng trăm chuyến tàu cập cảng Sa Kỳ sau cả tháng ròng “ăn gió nằm sương” ở Hoàng Sa.

Không ít chủ tàu “chướng tai, gai mắt” với “bức tường” phao mà Trung Quốc vừa giăng khắp bề mặt con nước ở quần đảo Hoàng Sa nhằm cản bước ngư dân Việt Nam khai thác hải sản.

Anh-Hoang-Sa (4) 4

Ngư dân Quảng Ngãi bức xúc trước việc Trung Quốc giăng phao tại một số khu vực của Hoàng Sa.  

“Các ngư dân vừa ngoài khơi xa trở về và rất bức xúc trước việc Trung Quốc giăng phao tại một số khu vực của Hoàng Sa. Bên cạnh đó, lực lượng tuần tra của Trung Quốc xuất hiện ngày một đông hơn ở Hoàng Sa với mục đích gây khó khăn cho ngư dân Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là bà con quanh năm bám biển mưu sinh vẫn can trường bám quần đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để kiếm kế sinh nhai và tàu nào tàu nấy neo vào bờ đều tôm cá đầy khoang”, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu chia sẻ.

Đề cập đến lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông mà Trung Quốc vừa mới ban hành, ông Phùng Đình Toàn, Phó Chủ tịch Hội nghề cá kiêm Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt.

 
Mặc dù họ (Trung Quốc) cấm nhưng bà con ngư dân vẫn can trường bám đảo Hoàng Sa như một phần máu thịt không thể tách rời.

Ông Nguyễn Thanh Hùng

Ông Toàn nhận định, thời điểm này phía Trung Quốc đang tăng cường tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa. Do đó, với tình hình hiện tại, ngư dân đừng vào quá sâu các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng để bị bắt bớ, gây khó dễ.

“Chúng tôi khuyến khích ngư dân mạnh dạn thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt. Từ năm 2011 đến nay, địa phương vẫn duy trì chính sách hỗ trợ dầu cho các tàu hoạt động ở 2 ngư trường lớn.

Nhiều tàu công suất trên 700 CV được hỗ trợ số tiền dầu lên tới 400 triệu đồng/4 chuyến vươn khơi/năm. Hiện nay, ở Quảng Ngãi đã có những con tàu mang công suất trên 1000 CV”, ông Toàn nói.

Đóng tàu mới, trở lại Hoàng Sa

Suốt nhiều năm qua, không ít tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công.

Bị truy đuổi, chìm tàu, các ngư dân lại nuốt nước mắt chạy vạy vay mượn đóng tàu mới rồi tiếp tục gióng mũi thuyền vọng hướng Hoàng Sa – tất cả chẳng khác nào quy trình.

Mà trong chuỗi quy trình ấy, dù ở đầu hay cuối, những ngư dân một đời bám biển mưu sinh vẫn chấp nhận. Bởi dòng máu chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn cuộn trào trong họ - những người lính can trường giữa muôn trùng khơi.

Anh-Hoang-Sa (1) 6

Các ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa. 

Năm ngoái, vào mùa biển động, PV VTC News đã tìm về làng Châu Thuận Biển (xã Bình Châu), ngôi làng được mệnh danh là làng Hoàng Sa.

Hôm ấy, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu đã nói những lời mang chất khí hào sảng miền biển mặn của với đại ý rằng, ngoại trừ những ngày trời nổi giông tố, còn lại cứ sóng yên biển lặng là các ngư phủ ở làng Hoàng Sa đều “ăn dầm ở dề” ngoài đảo.

Trong số những ngư phủ can trường ấy phải kể đến ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt (50 tuổi, xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển).

Tháng 4/2018, ông Ngọt cùng 5 thuyền viên trên tàu cá 720 CV đang đánh bắt ở Hoàng Sa thì bị 2 con tàu treo cờ Trung Quốc tấn công.

Anh-Hoang-Sa (3) 7

Ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt đã đóng tàu mới và tiếp tục hành trình đánh bắt ở Hoàng Sa. 

Cuộc rượt đuổi kéo dài 1,5 tiếng đồng hồ, cho đến khi tàu ông Ngọt bị húc một cú chí mạng và chìm nghỉm dưới đáy đại dương. May mắn được một tàu bạn ở cùng địa phương cứu vớt, ông Ngọt và 5 thuyền viên trở về đất liền an toàn.

Chẳng bao lâu sau, chính xác là 4 tháng kể từ ngày con tàu cũ 1,8 tỷ đồng “bỏ mạng” giữa trùng khơi, ông Ngọt đã đóng hẳn “cần câu cơm” mới.

Con tàu có giá 3,3 tỷ đồng đánh đổi từ việc thế chấp 2 căn nhà đã được ông Ngọt hạ thủy vào tháng 8/2018.

Và dĩ nhiên, 9 tháng qua, con tàu vẫn thường xuyên hiện diện ở Hoàng Sa như lời chia sẻ xuất phát từ sâu thẳm tâm khảm ông Ngọt: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương. Bãi Cát Vàng mãi muôn đời mang lại cơm ăn, áo mặc cho bao thế hệ ngư dân làng chài Châu Thuận Biển”.

Anh-Hoang-Sa (1) 8

Ngư dân Nguyễn Minh Hùng và 4 thuyền viên trở về đất liền sau sự cố chìm tàu ở Hoàng Sa.

Đồng cảnh với trường hợp ông Ngọt, vào đầu tháng 3 vừa qua, tàu cá của ngư dân Nguyễn Minh Hùng (SN 1975, trú thôn Châu Thuận Biển) cũng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi khi đang đánh bắt ở vùng biển thuộc đảo Đá Lồi (quần đảo Hoàng Sa).

Ngay giữa ban ngày, những kẻ lạ mặt “hiếu chiến” trên tàu Trung Quốc chủ động phun vòi rồng không ngớt về phía tàu cá của ông Hùng và 4 thuyền viên.

Kết quả, tàu cá của ngư dân Việt Nam không may va vào bãi đá ngầm và chìm dưới đáy đại dương.

Trải qua 4 tiếng đồng hồ đánh đu mạng sống với tử thần, 5 ngư dân trên tàu cá bị chìm giữa trùng khơi được một tàu bạn ở cùng địa phương ứng cứu kịp thời.

Anh-Hoang-Sa (2) 9

Vợ chồng ngư dân Hùng quả quyết sẽ đóng tàu mới và trở lại Hoàng Sa. 

Sáng 5/5/2019, bà Trương Thị Nga (vợ ngư dân Nguyễn Minh Hùng) cho hay, tròn 2 tháng tàu cá của gia đình “vong mạng” là ngần ấy thời gian vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm với thâm niên 22 năm “chinh chiến” ở Hoàng Sa lâm vào tình cảnh thất nghiệp.

“Tuy nhiên, hai vợ chồng vẫn đang cố xoay xở nguồn vốn để đóng tàu mới.

Anh Hùng nhớ biển, nhớ Hoàng Sa và bằng mọi giá phải quay trở lại ngư trường truyền thống của cha ông tự bao đời để khai thác hải sản”, bà Nga quả quyết.

THANH BA
Bình luận
vtcnews.vn