Sống xa gia đình, không có bố mẹ sát sao, quản lý, nhiều sinh viên hiện nay có lối buông thả, bỏ bê việc học, trở thành gánh nặng kinh tế cho bố mẹ.
Nhiều sinh viên sa đà bia rượu
2h sáng, Nguyễn Quốc Hưng sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền loạng choạng về phòng trọ trong tình trạng say khướt, toàn thân nồng nặc mùi rượu. Đi uống về khuya nên sáng mai Hưng "bùng" học tiết 1, chờ đến giờ ra chơi lẻn vào lớp xin cô giáo cho điểm danh với lý do tắc đường đi muộn.
Là sinh viên học xa nhà, bố mẹ không quản lý nên việc cậu đi chơi về muộn không phải lần đầu. Gần như tuần nào Hưng cũng trốn học, đi muộn vì tối hôm trước vui chơi, nhậu nhẹt thả ga.
Có những hôm, cậu và các bạn ngồi với nhau từ 7h tối hôm nay đến 1 - 2h sáng hôm sau mới trở về phòng. Sau những cuộc vui như vậy, cậu lại xin nghỉ hoặc đến muộn vì mệt, đầu óc vẫn trong tình trạng quay cuồng.
"Mỗi lần ngồi nhậu phải mất từ 150.000 - 300.000 đồng/người. Nếu như mỗi tuần nhậu 2 buổi/tuần, sẽ tiêu tốn khoảng 300.000 - 600.000 đồng", Hưng nói. Có hôm sau cuộc bia, cậu và mọi người lại rủ nhau đi hát karaoke về muộn.
Là sinh viên năm 4 chuẩn bị bước vào thời gian nước rút hoàn thành việc học đại học, thế nhưng cậu lại quá sa đà ham chơi. Điều này dẫn tới việc giữa kỳ 2 năm 3 cậu bị trượt 4 môn. Số tiền nộp phí học lại của Hưng cao gần bằng với học phí của học kỳ mới.
Nghiện game bỏ học
Ở tuổi 24, khi bạn bè đồng trang lứa đi làm và kiếm tiền với mức lương ổn định, thì Bùi Chí Tiến (SN 1998, quê Yên Bái) mới được nhận bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Luật, trường Đại học Luật (Đại học Thái Nguyên).
Cậu ra trường trễ hơn bạn bè do bản thân từng có khoảng thời gian nghiện game nặng. Cậu phải bảo lưu học tập tới 2 năm để điều trị tâm lý. "Nhiều khi nghĩ lại quãng thời gian đó, em vẫn rùng mình và sợ hãi vì bị cuốn vào game không thể dứt ra được", Tiến nói.
Hồi mới lên đại học, Tiến được bố mẹ mua cho máy tính để thuận tiện cho việc học tập, nhưng, cậu lại dùng nó để chơi game.
Học kỳ đầu tiên, nam sinh gốc Yên Bái khá chăm chỉ và đạt học lực khá. Khi bước sang học kỳ 2, cậu bắt đầu chơi game để giải trí sau giờ học.
Ban đầu Tiến chơi game với mục đích giải trí. Về sau càng chơi càng ham, thậm chí sẵn sàng nghỉ học để chơi. Trung bình mỗi ngày, cậu đóng cửa ở trong phòng chơi game 10 - 12 tiếng, không đi học, không giao tiếp với bạn bè, hàng xóm.
Để trở nên đẳng cấp hơn trong thế giới ảo, Tiến còn mạnh tay nạp tiền vào game. "Mỗi lần nạp thẻ game, em tiêu tốn từ 500.000 đến 1 triệu đồng nhằm tăng giá trị của tài khoản. Em từng coi đây như một thành tích để khoe với bạn bè. Khi bố mẹ gửi tiền, thay vì đóng học em lại đổ vào game", Tiến nhớ lại.
Lâu dần, đến cuối học kỳ 1 năm thứ hai đại học, không thấy Tiến đi học và học phí cũng không đóng, cô giáo chủ nhiệm gọi điện thông báo cho gia đình. Khi nghe tin, mẹ cậu ngã ngửa vì biết con nợ học phí và nghỉ học từ nhiều tháng.
Bố mẹ lập tức lên Thái Nguyên để kiểm tra thì sững người khi biết cậu không đi học trong kỳ 1. Cậu trở nên ít nói, lầm lì, ngại giao tiếp, có biểu hiện của trầm cảm, chỉ nhốt mình trong phòng để ăn và chơi game.
Lo lắng cho tình hình của con, gia đình xin nhà trường cho bảo lưu kết quả học để tiện quản lý và điều trị tâm lý cho cậu.
Sau hơn 1 năm, việc điều trị tâm lý thành công, nam sinh cai nghiện được game và đi học trở lại bình thường. Trải qua quãng thời gian khó khăn đó cậu thấy hối hận vì những gì mà bản thân đã làm và quyết tâm quay lại trường để học.
Giữa năm 2021, Tiến bắt đầu học lại, đến nay nam sinh tiến bộ vượt bậc và tốt nghiệp loại khá chuyên ngành Luật.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Nguyên, khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền lo ngại một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay có lối sống buông thả, vô trách nhiệm, nhất là sinh viên năm nhất, năm hai.
Nguyên nhân do đi học xa nhà, bố mẹ không quản lý, các em dần buông thả, hình thành nhiều thói quen xấu cho bản thân như thuốc lá điện tử, chơi game, bia rượu là điều dễ xảy ra. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ, việc học tập của sinh viên và thiệt hại kinh tế cho gia đình.
Theo bà Nguyên để khắc phục, giảm thiểu tình trạng này, gia đình và nhà trường cần quan tâm, quản lý sinh viên sát sao hơn. Đồng thời tăng cường bài tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, nghiện game, sử dụng bia rượu nhiều của sinh viên.
Điều quan trọng là bản thân sinh viên cần nắm vững các kiến thức nhận định rõ ràng về các tác hại của việc đó để tự rèn luyện, quản lý bản thân thật tốt.
Bình luận