(VTC News)- Kể từ sau chiến tranh lạnh, Trung Quốc chưa bao giờ giấu diếm tham vọng trở thành bá chủ thế giới, với viễn cảnh có thể soán ngôi Mỹ trên tất cả các lĩnh vực : kinh tế, chính trị, quốc phòng... Và thể thao cũng không phải một ngoại lệ.
Lời tuyên bố hùng hồn của Trung Quốc tại Olympic 2008 với vị trí số 1 đã cho thấy sức mạnh và quyết tâm của quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhưng liệu đó có phải là bước khởi đầu cho sự thống trị của người Trung Quốc ở sân chơi Olympic hay chỉ là một lợi thế nhất thời của nước chủ nhà?
Nhìn lại Thế vận hội lịch sử
Năm 2008, Trung Quốc đã đứng ra đăng cai một kì Olympic thành công và tốn kém nhất lịch sử của giải đấu này. Không chỉ bỏ ra một số tiền cực lớn để mang đến một kì thế vận hội rực rỡ và hoành tráng nhất, Trung Quốc còn sẵn sàng dốc hầu bao treo giải 350.000 NDT ( 51.087 USD) cho 1 chiếc HCV, tăng 75% so với kì Olympic trước đó.
Lễ khai mạc hoành tráng tại Olympic Bắc Kinh 2008
Nếu so sánh con số này với nước chủ nhà Anh năm nay, quốc gia duy nhất không trao thưởng cho các VĐV giành huy chương thì mới thấy Trung Quốc kì vọng ở cơ hội này đến thế nào. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, việc Trung Quốc lần đầu tiên lên ngôi ở sân chơi thể thao lớn nhất hành tinh như một lẽ tất yếu. Điều đáng nói là cách người Trung Quốc hiện thực hóa giấc mơ của mình khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Với 100 chiếc huy chương trong đó có 51 HCV, 21 HCB và 28 HCĐ Trung Quốc đã ghi tên mình vào lịch sử Olympic với thành tích vô tiền khoáng hậu mà có thể rất lâu nữa mới bị xô đổ.
Sau ánh hào quang rực rỡ của Olympic 2008, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể lập lại kì tích cách đây 4 năm không? Những người lạc quan nhất chắc cũng không dám tin vào một điều thần kì nữa sẽ tái diễn ở London khi nhìn vào sự chuẩn bị cũng như sự đầu tư của Trung Quốc ở sân chơi lần này.
Lí do đầu tiên, sân nhà không còn là của người Trung Quốc nữa. Có thể nói, sân nhà là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành tích của một đoàn thể thao trong một kì đại hội, và Trung Quốc đã may mắn có điều đó cách đây 4 năm.
Lưu Tường- ngôi sao sáng nhất của đoàn Trung Quốc tại Olympic 2012
Nhưng giờ đây, Olympic 2012, họ sẽ không còn được hít bầu không khí quen thuộc ấy nữa, thay vào đó phải thích nghi với một khí hậu khác, địa hình khác xa so với lúc tập luyện. Theo báo chí Trung Quốc, nhiều đoàn VĐV đã phải di dời nơi tập huấn do chưa thể làm quen với thời tiết lạnh và ẩm ướt ở London. Chưa kể đến sự thiếu hụt nguồn động viên tinh thần quý báu trên các khán đài thì cơ hội để Trung Quốc vượt Mĩ trở nên quá mong manh. Đó cũng là lí do mà các nhà nghiên cứu cho rằng, sức mạnh của sân nhà có thể đem lại nhiều hơn 54% số huy chương cho quốc gia đăng cai so với phần còn lại.
Thách thức tiếp theo đến từ lực lượng của đội tuyển Trung Quốc. So với 639 VĐV tham dự ở kì Olympic trước thì con số VĐV sang London thi đấu kì này đã giảm gần một nửa xuống còn 396 người. Cùng với đó là sự vắng mặt của một loạt ngôi sao ở các mộ môn thế mạnh như bóng bàn, cầu lông, lặn, thể dục... với những cái tên đã mang về rất nhiều huy chương cho đoàn thể thao Trung Quốc như Zhang Yining, Zhang Ning, Guo Jingjing, Yang Wei, Cheng Fei.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, áp lực sẽ đè nặng lên vai những ngôi sao trẻ. Lo ngại sức ép dư luận sẽ ảnh hưởng đến phong độ thi đấu của các học trò, HLV trưởng ĐT cầu lông Li Yongbo đã phải lên tiếng kêu gọi: ”Khán giả càng chờ đợi, áp lực mà chúng tôi phải chịu càng lớn. Nếu mọi người giảm bớt kì vọng thì các VĐV sẽ thi đấu tốt hơn ".
Khó có chuyện Trung Quốc giành ngôi số 1 toàn đoàn ở Olympic
Sau khi đã nếm trải vị ngọt của chiến thắng, có vẻ như Trung Quốc không còn cảm thấy mặn mà với Olympic. Hoặc cũng có thể, sự quan tâm và chuẩn bị của các quốc gia khác với Olympic ngày càng tăng. Bằng chứng là con số mà Trung Quốc treo thưởng cho mỗi tấm HCV của mình thấp hơn rất nhiều so với khu vực và thậm chí chưa bằng một nửa so với đối thủ trực tiếp Nga.
Cũng không phải vô cớ mà bộ trưởng thể thao Liu Peng tỏ ra khá dè dặt trước thành tích của đội nhà: “ Sẽ là rất khó khăn cho chúng tôi khi mà các quốc gia khác đang dành những sự chuẩn bị tốt nhất cho Olympic. Chúng tôi sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể giành huy chương vàng, mọi việc chắc chắn sẽ không dễ dàng như 4 năm trước.”
Nhìn vào sự chuẩn bị của đoàn thể thao Trung Quốc trước thềm Olympic 2012, ta có thể nhanh chóng phác họa một hình ảnh tương phản với chính họ cách đây 4 năm - một Trung Hoa nồng nhiệt, quyết tâm và đầy sức sống. Khoảnh khắc kì diệu của năm 2008 có thể là cái bóng quá lớn mà họ không thể vượt qua nhưng cũng có thể là ánh hào quang sáng chói nhất mà họ muôn lưu giữ mãi mãi. Nhưng cuộc chơi vẫn chưa bắt đầu, để biết được điều kì diệu có lặp lại hay không, chúng ta chỉ còn cách chờ đến ngày ngọn đuốc Olympic được thắp sáng ở London.
Thanh Tú
Bình luận