Theo tờ Wall Street Journal, cuộc phản công của Kiev có thể "dọn đường" cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vào cuối năm nay, với vai trò trung gian hoà giải của Trung Quốc.
Tờ báo này cho hay, các đại diện chủ chốt của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ủng hộ ý tưởng tổ chức các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moskva. Tuy nhiên, phía Bộ Ngoại giao Mỹ và CIA nghi ngờ ý tưởng này, cho rằng phải chờ kết quả cuộc phản công của Ukraine trước khi thực hiện các bước đi ngoại giao.
Tờ Wall Street Journal cũng chỉ ra rằng "sự thay đổi trong suy nghĩ của phương Tây" về cách thức kết thúc xung đột Nga - Ukraine diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây lo ngại họ sẽ không thể duy trì mức viện trợ quân sự cần thiết cho Kiev trong tương lai.
Trong khi đó, một số quốc gia phương Tây muốn xem liệu Trung Quốc có khả năng xoa dịu xung đột hay không. Điều này cũng cho thấy sự thay đổi trong cách phương Tây nhìn nhận vai trò của Bắc Kinh.
Truyền thông liên tục đưa tin về cuộc phản công của quân đội Ukraine trong vài tháng qua, với các dự báo khác nhau về thời gian Kiev làm điều đó.
Hôm 23/4, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Alexey Danilov bác bỏ lời kêu gọi đối thoại nhằm giải quyết xung đột với Nga, đồng thời kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva luôn ủng hộ việc tổ chức đàm phán nhưng đối thoại về tình hình xung quanh Ukraine chỉ có thể thực hiện được nếu tính đến các lợi ích và quan ngại chính đáng của Nga.
Trong cuộc hội đàm hôm 4/5 với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Ấn Độ, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho biết phía Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Nga để "đóng góp thực sự" cho các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine.
Trung Quốc hôm 24/2 công bố tài liệu 12 điểm khuyến nghị về xung đột Nga - Ukraine, trong đó kêu gọi các bên hỗ trợ Moskva và Kiev nối lại đối thoại giải quyết khủng hoảng. Tài liệu này phản đối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ người dân vô tội. Trung Quốc cũng phản đối những lệnh cấm vận đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua.
Bình luận