• Zalo

World Cup: Người vô gia cư bị 'đội quân tử thần' truy đuổi?

Thể thaoThứ Năm, 12/06/2014 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News)- Trong nhiều năm, hàng trăm trẻ em và thanh thiếu niên ở các khu vực có nhiều tội phạm bị sát hại bởi “đội quân tử thần”.


(VTC News)- Trong lúc Brazil đang cố gắng cho thế giới thấy hình ảnh một đất nước tươi đẹp và thân thiện thì những cuộc biểu tình và bạo lực bùng phát thời gian qua lại chứng minh điều ngược lại.

Brazil trước ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh không phải một đất nước tràn ngập cờ và hoa nữa. Bên cạnh những bất cập trong chính sách quản lí và chi tiêu, những chiến dịch truy quét gây tổn thương tới nhiều người dân vô tội đã khiến cho 51% dân số Brazil không muốn chào đón World Cup  ở quốc gia họ.

1. Chiến dịch truy quét người vô gia cư

Nhằm giới thiệu hình ảnh một đất nước Brazil an toàn và hiếu khách với thế giới, chính phủ Brazil đã huy động lực lượng khoảng 170.000 người, bao gồm cả các binh sĩ chính phủ. Đây là lực lượng bảo vệ lớn chưa từng có trong một sự kiện thể thao và đặc biệt tất cả đều được trang bị vũ trang.
Cảnh sát huy động bảo vệ an ninh tại Brazil
 Cảnh sát huy động bảo vệ an ninh tại Brazil

Mới đây, Trung tâm Quốc gia về bảo vệ Nhân quyền, một tổ chức được tài trợ bởi Hội Đồng Giám Mục Brazil, đã bày tỏ lo ngại về chiến dịch truy quét những người vô gia cư nhằm bảo đảm an ninh trong quá trình diễn ra World Cup.

Lo ngại trên không phải vô căn cứ khi mà trong 15 tháng qua, đã có 195 người vô gia cư bị sát hại hoặc mất tích bí ẩn.. Thậm chí, tại Goiânia, một thành phố ở Trung Nam Brazil, Ủy ban của Bộ nhân quyền đã được cử đến để điều tra về 29 vụ ám sát mới nhất của những người vô gia cư tại đây.

Theo những số liệu chính thức từ Viện Địa lý và thống kê Brazil, quốc gia này đang có khoảng hơn 1,8 triệu người vô gia cư. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 1/4 các thành phố ở Brazil có những chính sách giúp đỡ người vô gia cư. 

Dù vào năm 2009, chính phủ của tổng thống Lula da Silva , đã gợi ý các chính sách quốc gia nhằm giúp đỡ "những người lang thang" song các nhà chức trách địa phương vẫn nhắm mắt làm ngơ. Theo nhà xã hội học Mauricio Botrel  thuộc trung tâm quốc gia về Nhân quyền, các chính sách địa phương  đối với người vô gia cư là rất cần thiết để tránh những cuộc thanh trừng âm thầm mà chính phủ vẫn áp dụng.

Tại Sao Paulo, nơi có khoảng 15.000 vô gia cư đang sinh sống, cũng chứng kiến 12 vụ ám sát trong vài tuần qua. Nhiều giả thiết được đặt ra nhưng các nhà điều tra thuộc ban thư kí Quốc gia về quyền con người đang nghiêng về giả thuyết về một cuộc thanh trừng từ phía các cảnh sát và lính đánh thuê.
Có người dân vô tội bị chết sau những đợt truy quét của chính phủ
 Có người dân vô tội bị chết sau những đợt truy quét của chính phủ?

Đây không phải lần đầu tiên những chiến dịch gây tranh cãi này được triển khai ở Brazil. Sự kiện tương tự xảy ra vào những năm 90 ở Rio de Janeiro khi mà, trong nhiều năm, hàng trăm trẻ em và thanh thiếu niên  ở các khu vực có nhiều tội phạm bị sát hại bởi một “đội quân tử thần”, nơi tập hợp của những cảnh sát đã bị khai trừ khỏi ngành vì những hành vi sai trái.

Năm 2011, Brazil cũng đã bị lên án bởi một chiến dịch truy quét những người vô gia cư. Chiến dịch này đã cướp đi sinh mạng của 142 người vô tội và tổng thống Dilma Rousseff đã hứa sẽ đưa ra các biện pháp nhằm không để tái diễn các vụ ám sát.

2.  Chiến dịch 'bình định' các khu ổ chuột

Kể từ ngày 22/4/2014, Copacabana, khu du lịch nổi tiếng của thành phố Rio de Janeiro đã biến thành sân khấu bạo lực khi chứng kiến cuộc đụng độ giữa các đơn vị cảnh sát quân sự và người dân ở khu ở chuột.

Tất cả bắt nguồn từ khi cái chết của Douglas Rafael Pereira da Silva, một vũ công 26 tuổi khá nổi tiếng với biệt danh DG. 

Bà Maria de Fátima, mẹ của nạn nhân, cáo buộc cảnh sát đã tra tấn và giết hại con trai bà rồi phi tang chứng cứ sau khi các nhân chứng cho biết họ đã thấy cảnh sát đeo găng tay bước ra từ hiện trường. Trong khi đó, cảnh sát thừa nhận họ bắn nhầm nạn nhâm vì tưởng anh ta là một kẻ buôn ma túy. Những cuộc xung đột xảy ra ngay ngày hôm sau gây thiệt hại về người cho cả hai bên.
Liệu World Cup 2014 có an toàn?
 Liệu World Cup 2014 có an toàn?

Cơn thịnh nộ của những người dân trong các khu ổ chuột là điều có thể đoán trước bởi đây không phải lần đầu các cảnh sát Brazil làm nhiệm vụ kiểu “thà bắn nhầm còn hơn bỏ sót”. Amarildo Sr, một thợ nề 42 tuổi, cũng là nạn nhân xấu số trong chiến dịch này. Ông đã bị cảnh sát bắt vì tưởng nhầm là kẻ ma cô buôn bán ma túy. 

25 cảnh sát khai nhận đã bóp cổ và dìm chết nạn nhân trong một buổi tra tấn kéo dài 40 phút và sau đó thủ tiêu xác người đàn ông trong rừng.

Năm 2007, khi Brazil nhận quyền đăng cai World Cup, chính phủ đã giới thiệu một chương trình 'bình định' hàng trăm khu ổ chuột.  Đến cuối năm 2008, họ bắt đầu triển khai các đơn vị cảnh sát vì hòa bình (UPP) chiếm đóng ở các khu ổ chuột. Từ đó đến nay, các cuộc xung đột giữa UPP và người dân không ngừng gia tăng. 

Các quan chức từ chối tiết lộ số người chết kể từ khi hoạt động này bắt đầu, nhưng chỉ tính riêng ở Rocinha, khu ổ chuột như một mê cung với 200.000 người, có tới 10 người đã thiệt mạng tính từ tháng 1 năm nay. Một nhân chứng giấu tên cho biết: "Những chiếc xe cảnh sát không đèn thường xuyên ra vào khu này buổi đêm  và chúng tôi nghe thấy tiếng súng. Có lần, chúng tôi tìm  đã thấy bốn xác người với những vết đạn lỗ chỗ trên cơ thể.

Số lượng người “mất tích” tại Rio đã tăng từ 3.997 năm 2009 lên 6.004 vào năm ngoái. Các nhà chức trách đang trấn an người dân bằng lời hứa sẽ đảm bảo an toàn cho người dân khu ổ chuột. Họ sử dụng đội cảnh sát quân sự ưu tú được gọi là BOPE, một tổ chức được biết đến với logo một con dao găm xuyên qua hộp sọ.

6/1990, Tổ chức Ân xá quốc tế đã công bố báo cáo về vi phạm nhân quyền tại các thành phố chính ở Brazil và đi đến kết luận rằng cảnh sát quốc gia này ngày càng có xu hướng phản ứng  bạo lực với xã hội. Tài liệu này đã cảnh báo về tình hình thực tế ở Brazil như việc cảnh sát bạo hành trẻ em hay việc tra tấn các tù nhân.

Nó yêu cầu Brazil cần phải giải quyết nếu không muốn những thảm kịch tương tự lặp lại ở một sự kiện lớn hơn năm 2016.

Thanh Tú
Bình luận
vtcnews.vn