• Zalo

World Cup 2014: Ai cũng mơ đội bóng 'siêu nhân'

Thể thaoThứ Ba, 10/06/2014 03:54:00 +07:00Google News

“Làm gì có cái gì gọi là Bóng đá Tổng lực, chỉ có 11 cầu thủ quá giỏi cùng khoác áo màu cam thôi”.

Hoàng đế Franz Beckenbauer từng nói một câu rất “phũ” về bóng đá tổng lực như thế này: “Làm gì có cái gì gọi là Bóng đá Tổng lực, chỉ có 11 cầu thủ quá giỏi cùng khoác áo màu cam thôi”.

1. Câu nói ấy phủ nhận đi một trong những huyền thoại lớn nhất của lịch sử bóng đá, là totaalvoetbal, bóng đá tổng lực của người Hà Lan.

Nhưng Hoàng đế hẳn không có ý định hạ thấp kẻ thù lớn nhất của người Đức trên sân cỏ. Ông thậm chí còn tôn họ lên thêm, bằng cái ý: Chiến thuật thật ra chỉ là thứ phụ, khả năng tự phát huy của con người mới là chính.
Bóng đá tổng lực HÀ Lan
Bóng đá tổng lực Hà Lan khiến cả thế giới thán phục

Ở cái thời của totaalvoetbal thì câu nói của Beckenbauer gây sốc. Chứ còn trong thời đại này, thì nó đã trở nên dần rõ ràng. Cái gọi là “sơ đồ chiến thuật” đang lu mờ dần đi cùng với khái niệm về “vị trí trong đội hình xuất phát” của cầu thủ trên sân. Và bởi thế, chiến thuật bây giờ chỉ còn là một ý niệm về lối chơi, và cầu thủ căn cứ vào ý niệm đó để phát huy riêng khả năng của mình.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy một trận đấu của Man City mà Samir Nasri là “tiền vệ cánh trái” trong “sơ đồ xuất phát”, nhưng rồi thống kê sau trận chỉ ra rằng anh hoạt động bên cánh phải hoặc trung lộ nhiều hơn.

Thậm chí, bạn có thể đã được xem những trận đấu của Bayern Munich thời HLV Jupp Heynckes mà Mario Mandzukic là tiền đạo có nhiệm vụ phòng ngự. Anh không tham gia tấn công mà chịu trách nhiệm cướp bóng ngay bên phần sân đối phương. Một “tiền đạo dập”, thứ chưa từng xuất hiện trong sách vở.

2. Gọi những sự biến ảo khôn lường ấy là chiến thuật cũng được, chỉ là cách dùng từ. Nhưng nó không giống với những cái người ta thường tưởng tượng về chiến thuật truyền thống, với 3 tuyến, hậu vệ ở dưới cùng còn tiền đạo ở cao nhất, tay phải là tay cầm đũa còn tay trái cầm bát.
Giờ là thời của những đội hình ngôi sao
 Giờ là thời của những đội hình ngôi sao

Bây giờ vai trò của trên-dưới, trái-phải có thể hoán đổi cho nhau. Mario Mandzukic có thể phòng ngự bên phần sân đối phương còn Luka Modric thì điều phối tấn công từ sân nhà. Những nỗ lực rạch ròi kiểu xưa cũ, in ra vị trí của 11 cầu thủ trên một tờ giấy, phát cho phóng viên trước giờ thi đấu, đã trở nên lỗi thời rồi.

Chính tác giả đã từng cầm một tờ giấy như thế ở EURO 2012, khi theo dõi trận Italy -Tây Ban Nha ở Gdansk, và như độc giả đã biết, in sơ đồ xuất phát của Tây Ban Nha chỉ tạo cảm giác… tốn giấy, không giúp gì cho việc theo dõi trận đấu.

Hai nền đào tạo bóng đá lớn nhất hiện nay là Tây Ban Nha và Đức đều hướng tới một giá trị cốt lõi là tạo ra những cầu thủ đa năng, có thể chơi nhiều vị trí trên sân. Sản phẩm của họ là những người lên công về thủ, dứt điểm tốt, truy cản hay, thậm chí tạt bóng được bằng cả hai chân. Và các nền bóng đá khác đang tích cực học theo mô hình ấy.

3. Lời của Franz Beckenbauer bây giờ như một lời sấm, về một thời đại mà yêu cầu lớn nhất của bóng đá là 11 cầu thủ giỏi cùng khoác một màu áo ra sân. Ai cũng chơi một thứ bóng đá có thể đặt tên là “tổng lực”. Không giống hệt lối chơi của Hà Lan ngày trước nhưng cái ý nghĩa “totaal”, “tổng lực” thì hiển hiện trong sự linh hoạt của các cầu thủ.
Messi
Giới hạn phòng ngự, phản công rồi cũng bị xóa nhòa

Ngày xưa thì “phản công” đi với “phòng ngự”. Nhưng bây giờ thì đội chơi phản công hay nhất châu Âu lại chính là đội có lối chơi tấn công hấp dẫn nhất, Dortmund. Ngay cả ranh giới giữa tấn công và phòng ngự cũng đã bị xóa đi khi người ta có đủ những cầu thủ giỏi.

Khi mà “sơ đồ xuất phát”, “vị trí” và thậm chí là cả “lối chơi” bị xóa đi bởi sự đa năng và sáng tạo của các cầu thủ, thì những nỗ lực mổ xẻ chiến thuật thi đấu theo lối truyền thống đôi khi không còn cần thiết nữa.

Theo TTVH
Bình luận
vtcnews.vn