Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Phi Matshidiso Moeti kêu gọi các quốc gia tuân thủ quy định khoa học và y tế quốc tế để tránh sử dụng các biện pháp hạn chế đi lại.
“Việc hạn chế đi lại có thể đóng một vai trò trong việc giảm nhẹ sự lây lan của COVID-19 nhưng tạo ra gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế. Các hạn chế được đưa ra phải dựa trên cơ sở khoa học”,bà Matshidiso Moeti cho hay.
Bà Matshidiso Moeti ca ngợi Nam Phi đã tuân thủ các quy định y tế quốc tế và thông báo cho WHO ngay sau khi phòng thí nghiệm của nước này phát hiện biến thể Omicron.
“Chính phủ Nam Phi và Botswana đã nhanh chóng, minh bạch trong việc thông báo cho thế giới về biến thể mới, góp phần bảo vệ thế giới chống lại sự lây lan của COVID-19”, bà Matshidiso Moeti nói.
Các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã xuất hiện ở nhiều quốc gia. Hà Lan đã báo cáo 13 trường hợp mắc Omicron vào hôm 28/11, Australia cũng ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể này.
Nhiều nước đã vội vã đóng cửa biên giới ngay cả khi các nhà khoa học cảnh báo rằng không rõ liệu biến thể mới có đáng báo động hơn các phiên bản khác của virus hay không.
Israel đã quyết định cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài, trong khi đó Morocco cho biết họ sẽ đình chỉ tất cả các chuyến bay đến trong hai tuần bắt đầu từ hôm 29/11. Mỹ cũng ban hành lệnh cấm du lịch từ Nam Phi và 7 quốc gia Nam Phi khác từ hôm 29/11.
“Biến thể Omicron đã được phát hiện ở một số khu vực trên thế giới. Việc áp dụng lệnh cấm du lịch từ các nước châu Phi sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực đoàn kết toàn cầu trong việc cùng nhau tìm ra giải pháp chống dịch”, bà Matshidiso Moeti cho hay.
Trong khi các nghiên cứu tiếp tục đối với biến thể Omicron, WHO khuyến nghị tất cả các quốc gia “nên thực hiện cách tiếp cận dựa trên rủi ro và khoa học, áp dụng các biện pháp có thể hạn chế khả năng lây lan của virus”.
Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nhấn mạnh hiện chưa có dữ liệu nào cho thấy biến thể mới gây bệnh nghiêm trọng hơn các biến thể COVID-19 trước đó.
Bình luận