(VTC News) – Đâu là chìa khóa giúp Giáo sư Wenger trở nên nổi tiếng trong nghệ thuật chi tiêu ở Arsenal?
Câu hỏi này, Wenger đã nhiều bận chia sẻ ở xứ sương mù nhưng lần đầu tiên tại Việt Nam trong một phòng họp báo có rất nhiều người là những ông bầu, những nhà quản lý bóng đá Việt Nam thì chưa bao giờ.
HLV Wenger đánh giá rất cao mô hình làm bóng đá của bầu Đức (Ảnh: Quang Minh) |
Một phóng viên hỏi ông rằng: “Ông có thể cho chúng tôi biết một phần phương thức chi tiêu của ông để giúp Arsenal không trở thành những “chúa chổm” như nhiều ông lớn khác của châu Âu?”
Trên bàn chủ tọa, Arsene Wenger cười rất tươi trước khi đưa ra câu trả lời của mình: “Giá trị cốt lõi của điều này nằm ở khả năng xác định với một nguyên tắc bất dịch là bạn không bao giờ cho phép mình được tiêu quá những gì mà bạn có”.
“Một đội bóng luôn có nhu cầu thành tích. Một đội bóng lớn, áp lực thành tích càng lớn hơn gấp bội. Nhưng nếu bạn vì áp lực của thành tích mà phải giành lấy nó bằng mọi giá, bất chấp cả việc đổ tiền vào đầu tư vượt quá những gì bạn có, thì những thứ bạn đạt được không bền vững. Đồng thời, nó đặt CLB của bạn vào sự nguy hiểm.” - Arsene Wenger nhấn mạnh.
Giáo sư Wenger là từ điển sống về kinh doanh bóng đá (Ảnh: Quang Minh) |
Hai chia sẻ rất ngắn gọn nhưng hoàn toàn cho thấy sự hợp lý và khoa học trong cách sử dụng đồng tiền của Giáo sư nổi tiếng bậc nhất thế giới này.
Và trong thoáng chốc, câu hỏi của phóng viên, lẫn cách trả lời của thuyền trưởng người Pháp khiến những nhà quản lý, những ông bầu của bóng đá Việt Nam phải giật thót.
Bóng đá Việt đã rơi vào khủng hoảng cuối mùa bóng 2012 cũng chỉ vì cách vung tiền quá trán của những ông bầu. Cuộc tháo chạy hàng loạt khỏi bóng đá Việt Nam sau đó quả tất yếu của việc làm bóng đá kiểu ăn xổi, mua danh.
Một lần nữa, những khẳng định của Arsene Wenger là lời thức tỉnh đối với những ai còn muốn làm bóng đá theo ngẫu hứng, hay theo kiểu “có tiền thì chơi, hết tiền thì giải tán” mà miệng vẫn oang oang vì tâm mà làm.
Ở Việt Nam còn có một câu rất gần với triết lý chi tiêu của Wergen và khi nói ra, cam đoan nó dễ hiểu hơn cả lời Wenger đã chia sẻ. Ấy là: “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”.
Hà Thành
Bình luận