Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 6/2018 ước đạt 604 nghìn tấn, giá trị đạt 317 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Indonesia, Iraq, Malaysia, Hoa Kỳ,...
Đáng chú ý, trong tháng 6/2018, giá gạo xuất khẩu của các nước lớn đều giảm. Tuy nhiên, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ (410 USD/tấn) và Thái Lan (435 USD/tấn).
Theo một số chuyên gia trong ngành, giá gạo Việt vượt Thái Lan, Ấn Độ được cho là chuyện hiếm có. Bởi, dù được coi là thế mạnh số một của Việt Nam trong nhiều năm qua, song, gạo Việt vẫn luôn lép vế trước các đối thủ Thái Lan và Ấn Độ cả về giá và chất lượng.
Không chỉ vậy, trong nhiều cuộc hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định, dù xuất khẩu gạo nằm trong top đầu thế giới, nhưng gạo Việt không có thương hiệu. Và nếu so sánh về vấn đề này thì chúng ta đi sau Thái Lan cả trăm năm.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, mấy tháng đầu năm nay, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có kết quả tăng so với cùng kỳ. Nổi bật nhất là mặt hàng lúa gạo “được mùa, được giá” với giá trị xuất khẩu tăng mạnh.
Bên cạnh giá trị tăng trưởng về lượng thì giá gạo xuất khẩu trong 5 tháng cũng tiếp tục tăng, đạt trên 502 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 458 - 462 USD/tấn vào thời điểm trung tuần tháng 5 - là mức giá cao nhất trong vòng 4 năm qua - cao hơn sản phẩm gạo cùng loại của Ấn Độ (404 - 408 USD/tấn), cao hơn đối thủ Thái Lan (435 - 440 USD/tấn).
Theo Thứ trưởng Tuấn, giá gạo Việt xuất khẩu ngày càng cải thiện nhờ tỷ lệ gạo cao cấp và gạo thơm xuất khẩu ngày càng nhiều, chiếm đến 80%.
Để đạt được thành tựu này, ông Tuấn cho hay, ngành gạo đã có sự chuyển đổi cơ cấu giống. Cụ thể, ở miền Nam, cơ cấu giống gạo chất lượng cao và gạo nếp hiện đã chiếm tới 80%, gạo thường giảm dần và còn rất ít. Ở miền Bắc, cơ cấu giống chất lượng cao cũng đạt 43%, tăng 7% so với trước. Việc chuyển đổi này phù hợp với thị hiếu thị trường, giúp gạo Việt được ưa chuộng hơn trên thị trường quốc tế.
Thực tế, trong nửa đầu năm 2018 cũng ghi nhận sự chuyển biến đáng kể đối với chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, trong tháng 5/2018, xuất khẩu gạo thơm đạt 129,2 triệu USD, chiếm tỷ lệ cao nhất với 33% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 53,8% so với tháng trước và tăng 103% so với tháng đầu năm; gạo trắng 15% tấm và 25% tấm đạt 128,2 triệu tấn vẫn tăng 57,7% so với tháng trước do các doanh nghiệp đang tập trung thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang Philippines và Indonesia.
Video: Đàn cá lạ cho người nông dân gần 500.000 USD mỗi năm
Bình luận