• Zalo

Vượt MU, đội bóng nào thống trị xứ sương mù?

Thể thaoThứ Ba, 21/05/2013 08:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nếu bỏ qua sự phục vụ của các cầu thủ nước ngoài thì liệu đội bóng nào đang thống trị Premier League?

(VTC News) - Nếu bỏ qua sự phục vụ của các cầu thủ nước ngoài thì liệu đội bóng nào đang thống trị Premier League?

Hãy thử tưởng tượng Premier League mùa giải 2012-2013 không có sự hiện diện của bất cứ cầu thủ ngoại nào, hoặc đơn giản hơn là loại trừ tất cả những bàn thắng ghi được từ những cầu thủ không mang quốc tịch Anh, khi ấy ai sẽ là nhà vô địch?

Gerrard và Sturridge ăn mừng bàn thắng
Những cầu thủ bản địa của Liverpool có chất lượng rất cao 

Đó chắc chắn không phải là MU, bởi những gì Van Persie mang lại: 26 pha lập công cùng 41 điểm là quá to lớn. Đó cũng không phải là Man City, nơi những cầu thủ bản địa gần như không có tiếng nói, còn hàng công lại gồm toàn những chân sút ngoại như Dzeko, Aguero hay Tevez.

Vậy đó là câu lạc bộ nào?

Câu trả lời là Liverpool. Dù đội bóng thành phố cảng cũng sở hữu một chân sút thuộc hàng khủng là Luis Suarez, ghi được 23 bàn và đóng góp 34 điểm, nhưng tiền đạo người Uruguay lại không có thói quen nhả đạn đều đặn. 

Có tới 7 trận, Suarez ghi được từ 2 bàn trở lên, nhưng anh này lại cũng tịt ngòi tới 17/33 trận ra sân thi đấu. Vì vậy, sự lệ thuộc của The Kop vào chân sút chủ lực của họ không lớn như MU phụ thuộc vào Van Persie.
Thêm một yếu tố nữa khiến Liverpool trở nên mạnh mẽ hơn khi chỉ sử sụng các cầu thủ mang quốc tịch Anh, đó là họ sở hữu 3 cây làm bàn có số có má: Sturridge (10 bàn), Gerrard (9 bàn) và Henderson (5 bàn). Nên nhớ, khi bỏ đi yếu tố ngoại binh, không đội bóng nào tại Premier League ghi bàn nhiều bằng họ. Lữ đoàn đỏ cũng là đội bóng để lọt lưới ít thứ hai trong bảng xếp hạng này (chỉ thua Arsenal).

Bảng xếp hạng Premier League
Bảng xếp hạng Premier League nếu bỏ đi yếu tố ngoại binh 

Tất cả những thống kê này không có gì là lạ, bởi từ mùa giải trước, khi Kenny Dalglish còn tại vị, đội chủ sân Anfield đã chủ đích hướng tới mục tiêu “Anh hóa” đội hình. Chiến lược ấy nhằm thỏa mãn 2 yếu tố: giữ gìn bản sắc câu lạc bộ (Liverpool thành công trong quá khứ nhờ rất nhiều cầu thủ thuộc vương quốc Anh); và đảm bảo công thức 6+5 (FIFA dự định buộc mỗi câu lạc bộ ra sân phải có ít nhất 6 cầu thủ bản địa).

Thực tế, cho đến lúc này, dưới bàn tay của Brendan Rodgers, Liverpool vẫn đang đi đúng hướng. Sự táo bạo trong việc tin dùng các cầu thủ trẻ, cộng với tư tưởng tấn công mỗi khi nhập cuộc giúp đội bóng vùng Merseyside, dù không giành được thứ hạng cao, nhưng vẫn giành được sự mến mộ từ các cổ động viên.

Những lò đào tạo trẻ lên ngôi

Xếp sau Liverpool trên bảng xếp hạng chỉ dùng các cầu thủ nội, đáng ngạc nhiên là 2 cái tên: West Ham và Southampton. Trong khi The Hammers luôn tự hào là lò đào tạo ra lứa cầu thủ thuộc thế hệ vàng của đội tuyển Anh gồm Rio Ferdinand, Frank Lampard, Joe Cole, Michael Carrick; thì đội chủ sân The Saint cũng chẳng phải quá xa lạ với người hâm mộ, khi mà đó chính là nơi sản sinh ra 2 ngôi sao hàng đầu hiện nay của Premier League: Gareth Bale và Theo Walcott.

Aguero ăn mừng bàn thắng
Man City có quá ít các trụ cột người Anh 

Không chỉ có hư danh trong quá khứ, West Ham của hiện tại với Kevin Nolan, Andy Carroll, Mark Noble vẫn tiếp tục duy trì bản sắc “Anglo-Saxon” mỗi khi ra sân. Họ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 10, một kết quả không tồi so với những gì mà Sam Allardyce đã bỏ ra.

Còn với Southampton, mới chân ướt chân ráo lên Premier League nhưng họ cũng kịp thời trụ lại được ở giải đấu nước Anh. Với chủ công Rickie Lambert cùng ngôi sao trẻ Luke Shaw, người được đánh giá là Ashley Cole mới của nước Anh, đội bóng miền Nam đang là minh chứng hùng hồn cho việc không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền, vẫn có thể chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất.

Trái ngược hoàn toàn với sự lên ngôi của Liverpool lại là sự sụp đổ của Man City. Đội bóng lắm tiền nhiều của thành Manchester, ngoài Joe Hart ra, hầu như chẳng còn ngôi sao người Anh nào đáng kể. Hàng công gồm toàn những cầu thủ nước ngoài khiến sự lo lắng về tính thiếu bền vững của The Citizens chưa khi nào nguôi ngoai.

Bất chấp giấc mơ về tham vọng sở hữu một trung tâm huấn luyện lớn nhất nhì châu Âu trong tương lai, đội hình hiện tại ở sân Etihad gần như không có sự kế thừa. Jack Rodwell, Micah Richards không thể chen chân với các sao ngoại triệu đô; còn Gareth Barry, James Milner vốn vẫn chỉ là những ngôi sao hạng hai.

Dẫu vậy những đồng tiền của các tỷ phú Ả Rập vẫn đang bao bọc và che chở cho Man City. Nửa xanh thành Manchester vẫn là một thế lực tại Premier League, bất chấp sự thật rằng bộ khung của họ chẳng có nổi 1 nhân tài quê hương.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn